Những quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo pháp luật dân sự hiện hành

bởi Luật Sư X
Những quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo pháp luật dân sự hiện hành
Bảo lãnh hợp đồng được sử dụng nhiều trong các quan hệ dân sự, đặc biệt là quan hệ vay – mượn tài sản. Tuy nhiên, các bên trong quan hệ bảo lãnh có hiểu tường tận được quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện cam kết bảo lãnh hay không? Để bảo vệ quyền lợi của mình, cần hiểu rõ các quy định về bảo lãnh trong pháp luật dân sự hiện hành, cụ thể là trong BLDS 2015.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Khái niệm bảo lãnh theo pháp luật dân sự

Hoạt động bảo lãnh ngày nay được phát triển phong phú và đa dạng trong mọi mặt của nền kinh tế xã hội. Đây là phạm trù được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực pháp lý khác nhau như kinh tế, ngân hàng, doanh nghiệp,… Tuy nhiên, khái niệm bảo lãnh được định nghĩ chung nhất, bao quát nhất trong BLDS 2015 tại Điều 335 như sau:

Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Theo cách hiểu đơn giản, bảo lãnh là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mà trong đó bên bảo lãnh đứng ra cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Pháp luật đặt ra vẫn đề bảo lãnh để các bên có thể giao kết hợp đồng dân sự mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của bên có quyền ngay cả trong trường hợp người có nghĩa vụ không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

2. Phạm vi và cách thức bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 BLDS 2015 thì phạm vi bảo lãnh của bên bảo lãnh là cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh. Đồng thời, nhiều người có thể cùng bảo lãnh cho một nghĩa vụ, trong trường hợp đó, người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập. Tuy nhiên, bên có quyền cũng có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Ví dụ cụ thể, anh A vay của bà B 1 tỷ đồng dựa trên hợp đồng vay có sự bảo lãnh của ông C (là bố của anh A) và anh D (là bạn của anh A). Khi anh A không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ cho bà B thì có 2 trường hợp xảy ra như sau:

– Nếu các bên không phân chia nghĩa vụ bảo lãnh theo các phần độc lập thì cả hai sẽ cùng liên đới trả hết số nợ và lãi đã cam kết cho bà B. Khi phần nợ chưa được giải quyết hết thì nghĩa vụ của các bên bảo lãnh vẫn còn. Trong trường hợp này, bà B cũng có thể chỉ định ông C hoặc anh  D chịu trách nhiệm trả toàn bộ số nợ và lãi phát sinh của anh A. Nhưng người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh sẽ có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

– Nếu các bên phân chia nghĩa vụ bảo lãnh theo các phần độc lập thì các bên bảo lãnh sẽ chỉ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đã phân chia, sau khi hoàn thành thì nghĩa vụ đó chấm dứt dù người bảo lãnh còn lại có hoàn thành nghĩa vụ hay chưa. Giả sử trong hợp đồng bảo lãnh thoả thuận ông C sẽ trả 600 triệu và tiền lãi phát sinh, anh D trả 400 triệu; khi nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh, anh D đã trả hết 400 triệu cho bà B còn ông C chỉ mới hoàn thành việc trả nợ gốc là 600 triệu. Như vậy, nghĩa vụ bảo lãnh của anh D đã chấm dứt, nhưng ông C vẫn phải trả hết số tiền lãi theo cam kết bảo lãnh cho bà B thì mới hoàn thành nghĩa vụ. Bà B cũng không có quyền đòi anh D phải trả số tiền lãi thay cho anh B nếu ông C chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ này.

Pháp luật dân sự quy định, nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, các bên bảo lãnh không được từ chối việc trả các khoản tiền phát sinh nếu hợp đồng có thoả thuận về các khoản tiền trên. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ bảo lãnh

BLDS 2015 quy định rõ về các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ bảo lãnh như sau:

Điều 337. Thù lao

Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.

Điều 339. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

2. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

3. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Điều 340. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trừ quyền được hưởng thù lao và quyền yêu cầu của bên bảo lãnh, các quyền và nghĩa vụ khác của các bên trong quan hệ bảo lãnh phải được thực hiện theo quy định tại Điều 339 BLDS 2015 nhằm tránh gây thiệt hại đối với người bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh cố ý trốn tránh nghĩa vụ của mình dù vẫn có khả năng chi trả.

4. Hệ quả pháp lý của bảo lãnh hợp đồng

Tương tự hợp đồng, bảo lãnh hợp đồng cũng có các hệ quả pháp lý như miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh và chấm dứt bảo lãnh được quy định tại các Điều 341, Điều 342 và Điều 342 BLDS 2015 cụ thể như sau:

Điều 341. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Điều 342. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Điều 343. Chấm dứt bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Theo thỏa thuận của các bên.

Như vậy, tuỳ thuộc vào diễn tiến các trường hợp của hợp đồng được bảo lãnh thì nghĩa vụ bảo lãnh thực hiện hợp đồng sẽ được miễn hoặc phát sinh hoặc chấm dứt theo các quy định trên của pháp luật.

Thông tin liên hệ Luật Sư X

Trên đây là nội dung tư vấn về Những quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo pháp luật dân sự hiện hành. Mọi thắc mắc về thủ tục pháp lý có liên quan. Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Gọi ngay cho chúng tôi qua hotline: 0833.102.102.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm