Ông bà có thể tặng đất đai cho cháu dưới 18 tuổi

bởi Luật Sư X

Thực tế hiện nay việc ông bà tặng nhà đất đai cho cháu diễn ra rất nhiều nhưng vẫn luôn xuất hiện một thắc mắc là liệu cháu chưa đủ 18 tuổi thì có được tặng cho không? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.

Căn cứ:

  • Luật đất đai năm 2013;
  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Trả lời

1. Ông bà có thể tặng cho đất cho cháu dưới 18 tuổi

Ông bà có thể thực hiện tặng cho đất cho cháu dưới 18 tuổi, vì ông bà có quyền tặng cho mảnh đất mà mình là chủ sở hữu mảnh đất đó. Cụ thể theo khoản 1 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 có quy định về quyền tặng cho quyền sử dụng đất như sau:

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Theo quy định trên, ông bà có quyền tặng cho mảnh đất cho bất kỳ ai theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện để ông bà thực hiện việc tặng cho đất cho cháu dưới 18 tuổi

Ông bà có thể thực hiện tặng cho đất cho cháu dưới 18 tuổi nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:

2.1. Về mảnh đất:

Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 quy định về điều kiện để thực hiện quyền tặng cho như sau:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo đó, mảnh đất của ông bà phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và vẫn đang trong thời hạn sử dụng đất thì ông bà mới có thể thực hiện việc tặng cho cho cháu mình.

2.2. Về người tặng cho:

Pháp luật không quy định điều kiện đối với người tặng cho quyền sử dụng đất nhưng theo thông thường thì mảnh đất được tặng cho phải do chính người sử dụng đất đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, ông bà muốn tặng cho cháu mình mảnh đất thì trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh đất đó phải do ông bà đứng tên.

2.3. Về người nhận tặng cho:

Pháp luật về đất đai không có quy định người bao nhiêu tuổi thì được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên Điều 20 luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 20. Người thành niên

1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

Như vậy, theo quy định này thì người từ đủ 18 tuổi trở lên thì có quyền đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này cháu của ông bà chưa đủ 18 tuổi nên sẽ thuộc trường hợp người chưa thành niên và chưa được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

Vậy với trường hợp này, nếu ông bà muốn tặng cho đất cho cháu thì phải có người đại diện. Trường hợp này thì bố mẹ cháu sẽ là người đại diện theo pháp luật của cháu, khi thực hiện hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ ông bà sang cháu thì bố mẹ cháu sẽ đứng ra nhận tài sản và được ghi vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tư cách là người đại diện của con.

3. Thủ tục ông bà tặng cho đất cho cháu dưới 18 tuổi

Để làm thủ tục tặng cho và cấp Giấy chứng nhận mang tên con chị trong trường hợp này các bên cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho tài sản. Hai bên có thể liên hệ với văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã để yêu cầu công chứng, chứng thực hợp đồng này. Việc tặng cho nhà phải đáp ứng các điều kiện luật định và khi lập hợp đồng thì cả hai ông bà phải ký vào hợp đồng tặng cho.

Căn cứ vào điểm a, d Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định:

Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này

d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại ủy ban nhân dân cấp xã.

Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng;
  • Hợp đồng/ dự thảo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Bản sao CMTND/CCCD và sổ hộ khẩu của bên tặng cho và nhận tặng cho.

Bước 2: Sau khi hợp đồng đã được công chứng hoặc chứng thực ông bà nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai cấp quận, huyện nơi có bất động sản để sang tên quyền sử dụng đất cho cháu. Hồ sơ đăng ký sang tên gồm:

  • Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất;
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên.

Khuyến nghị

  • LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư đất đai tại Việt Nam
  • Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

1/5 - (2 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm