Quy định tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc

bởi Liên
Tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc

Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm, hạn chế trốn tránh nghĩa vụ cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia vào giao dịch dân sự liên quan đến mua bán hàng hóa, nhà ở, đất đai,…bị xâm phạm. Pháp luật hiện nay quy định về đặt cọc như thế nào? Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì đòi lại tiền đặt cọc được không?

Căn cứ pháp lý

Quy định của pháp luật hiện nay về đặt cọc

Theo Điều 328 BLDS năm 2015: “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”

  • Nếu trong trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Theo đó, nếu bên nhận đặt cọc không thực hiện nghĩa vụ sau khi nhận đặt cọc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải chịu phạt cọc tương đương với số tiền đã đặt cọc. Ngược lại, bên đặt cọc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì tiền đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.

Lưu ý: 

  • Nghĩa vụ của các bên tham gia đặt cọc có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.
  • Nghĩa vụ được bảo đảm đặt cọc tiền có thể là nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.
  • Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ đặt cọc trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hợp đồng đặt cọc

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 22 Nghị định 21/2021/NĐ-CP:

1. Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.

2. Hợp đồng bảo đảm không thuộc khoản 1 Điều này có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.

3. Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

4. Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.

Như vậy, hợp đồng đặt cọc có thể công chứng, chứng thực hoặc không cần công chứng, chứng thực tùy theo sự thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc

Bên đặt cọc có quyền đòi lại tiền đặt cọc trong trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Hợp đồng đã được giao kết, thực hiện nhưng trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng.

  • Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Trường hợp bên nhận tiền cọc bị tuyên bố phá sản thì việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản, xử lý khoản nợ có bảo đảm và các biện pháp bảo toàn tài sản áp dụng theo quy định của pháp luật về phá sản. (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 21/2021/NĐ-CP)

Trường hợp 2: Hết thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng nhưng bên nhận đặt cọc chưa thực hiện nghĩa vụ của mình

Theo Điều 418 BLDS năm 2015, bên vi phạm có thể bị phạt vi phạm trong trường hợp sau đây:

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Theo đó, nếu có thiệt hại xảy ra, thì người đặt cọc có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. Hoặc theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc.

Trường hợp 3: Có sự tham gia của bên thứ ba

  • Nếu trường hợp tài sản bảo đảm cho số tiền đã đặt cọc của bên đặt cọc đã bị bán, thế chấp, cầm cố, chuyển nhượng….cho bên thứ ba thì người đặt cọc có quyền đòi lại tài sản.

Theo khoản 2 Điều 297 BLDS năm 2015: “Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Theo đó, khi bên có nghĩa vụ trở thành bên có quyền đối với chính nghĩa vụ đó thì nghĩa vụ chấm dứt. Trừ trường hợp nghĩa vụ đang có tranh chấp; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; nghĩa vụ cấp dưỡng; nghĩa vụ khác do luật quy định.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 7 Nghị định 21/2021/NĐ-CP:

– Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

– Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không áp dụng đối với tài sản sau đây:

  • Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận;
  • Tài sản được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
  • Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
  • Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

Ngoài ra, quyền truy đòi tài sản bảo đảm còn được thực hiện nếu tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác theo quy định tại Điều 21 của nghị định này

  • Trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm không chấm dứt nhưng thực hiện theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản.

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, nếu trong trường hợp tài sản bảo đảm cho số tiền đặt cọc được chuyển đến người thứ ba (không tham gia trực tiếp vào giao dịch đặt cọc) thì bên đặt cọc có quyền đòi lại số tiền mà mình đã đặt cọc.

Trường hợp 4: Giao dịch về đặt cọc vô hiệu

Theo BLDS năm 2015, giao dịch dân sự vô hiệu lực khi:

  • Chủ thể tham gia không có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự không hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
  • Hình thức của giao dịch dân sự không đúng với quy định của pháp luật

Bên cạnh đó, theo Điều 408 BLDS năm 2015 trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.

  • Trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

Các quy định nêu trên cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 131 BLDS như sau:

  • Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
  • Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
  • Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
  • Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  • Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, nếu hợp đồng đặt cọc vô hiệu, thì các bên tham gia có nghĩa vụ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, bên đặt cọc có quyền nhận lại số tiền mà mình đã đặt cọc.

Lưu ý: Trường hợp một bên trong hợp đồng giao cho bên kia một khoản tiền mà các bên không xác định rõ là tiền đặt cọc hoặc tiền trả trước thì số tiền này được coi là tiền trả trước.

Tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc
Tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc

Kiện đòi lại tiền đặt cọc

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện nếu vụ việc thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện  theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Nếu đơn khởi kiện chưa đúng mẫu quy định hoặc không đủ các nội dung thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo thời hạn ấn định. Nếu vụ việc đủ điều kiện khởi kiện và đơn khởi kiện đã làm đúng theo quy định thì trong thời hạn 07 ngày, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Hồ sơ khởi kiện đòi nợ phải nộp cho Tòa án bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Đơn khởi kiện
  • Bản sao Hợp đồng đặt cọc hoặc hợp đồng khác có liên quan
  • Bản sao chứng thực Giấy tờ tùy thân: CMND, hộ chiếu, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
  • Các tài liệu, chứng cứ khác

Lưu ý khi nộp hồ sơ khởi kiện, cần mang theo các giấy tờ bản chính có liên quan để đối chiếu.

Có 3 cách để người khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện đến Tòa gồm:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Án phí khởi kiện đòi lại tiền đặt cọc được tính theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Sư X liên quan đến Tranh chấp đòi lại tiền đặt cọc. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về cách nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp, luật bay flycam, các thủ tục thành lập công ty, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh;…quý khách hàng vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102 để được nhận tư vấn.

Mời bạn xem thêm

Câu hỏi thường gặp

Thời hiệu khởi kiện đòi lại tiền đặt cọc?

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm

Bên đặt cọc tiền có được yêu cầu bên bán nhà dừng việc cho người khác thuê nhà không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, bên đặt cọc có quyền yêu cầu bên nhận đặt cọc  ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc, thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản đặt cọc không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. 

Có được đòi lại tiền đặt cọc nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng không?

Căn cứ theo Điều 428 BLDS năm 2015 thì bên đặt cọc có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
– Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
– Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
– Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

Nếu việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái với quy định của pháp luật thì bên đặt cọc sẽ không được nhận lại số tiền đã đặt cọc. Ngược lại, có thể phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho bên kia.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm