Sống thử có hợp pháp hay không?

bởi Luật Sư X
Sống thử có hợp pháp hay không?
Xã hội ngày càng phát triển, tư tưởng tiến bộ dẫn đến nhiều sự việc cũng có sự đánh giá thoáng hơn. Trong đó có việc “sống thử” của các đôi đã và đang yêu nhau. Sống thử ở đây được hiểu là việc các cặp đôi không phải là vợ chồng hợp pháp nhưng họ vẫn sống chung với nhau, đối xử với nhau như vợ chồng về tài sản, nơi ở thậm chí là có cả con chung. Hành vi này liệu có hợp pháp? Hãy cùng LSX tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Căn cứ pháp lí

Nội dung tư vấn

1. Sống thử có hợp pháp hay không?

Hiểu đơn giản thì “Sống thử” là việc các cặp nam nữ đang yêu nhau, quyết định dọn về sống chung với nhau như các cặp vợ chồng. Mặc dù sống chung nhưng họ không đăng ký kết hôn. Việc này thường diễn ra khi các đôi đang tìm hiểu nhau, yêu nhau và muốn gần gũi nhau hơn. 

Việc khẳng định rằng hành vi này có vi phạm pháp luật hay không còn phụ thuộc vào việc sống thứ trong trường hợp nào. 

Trường hợp 1: Cả hai vẫn đang độc thân mà “sống thử”

Lúc này, việc sống thử xuất phát từ sự tự nguyện của các bên. Hai người muốn gần nhau hơn, tìm hiểu kỹ hơn về những thói quen, cách sống của nhau khi đang yêu nhau đó là một chuyện hết sức bình thường. Pháp luật không có quy định can thiệp vào vấn đề này. 

Bởi vậy, việc sống thử lúc này được cho là hợp pháp. Nghĩa là, kể cả bạn sống thử nhưng không đăng ký kết hôn thì cũng không bị xử phạt. 

Trường hợp 2: Người đang có vợ, có chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng “sống thử” với người đang có vợ, có chồng 

Khác với điều kiện trên thì đối tượng thực hiện hành vi sống thử này là những người đã có gia đình, tức là đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp. Căn cứ theo quy định tại Điểm c Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định cấm việc chung sống như vợ chồng với người đã có gia đình. 

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

2. Cấm các hành vi sau đây:

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

Pháp luật tôn trọng và bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng, bởi vậy, hành vi xâm phạm hay phá vỡ nguyên tắc này là hành vi vi phạm pháp luật. Việc xử lý hành chính hay là hình sự phụ thuộc vào việc tính chất nguy hiểm của hành vi, mức độ vi phạm. Cụ thể: 

Về xử phạt Hành chính: Theo quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP có quy định như sau: 

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

Theo đó thì nếu một người Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc hưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì sẽ bị xử phạt lên 3 triệu đồng. 

Về truy cứu trách nhiệm Hình sự: Trách nhiệm hình sự đặt ra với những hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm. Hành vi sống chung như vợ chồng sẽ bị truy cứu hình sự về tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng nếu như hành vi này gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể các trường hợp sau: 

  • Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
  • Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
  • Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, nếu sống thử nhưng thuộc 1 trong các trường hợp trên thì trách nhiệm hình sự sẽ được đặt ra, Mức xử phạt có thể lên đến 3 năm. Cụ thể hóa như sau: 

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Rõ ràng, việc tìm hiểu kỹ trước khi đi đến hôn nhân thì pháp luật không cấm, tuy nhiên, rủi ro phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng không hề nhỏ nếu như bạn không tìm hiểu kỹ đối tượng mình đang sống thử có tình trạng hôn nhân như thế nào. Việc sống thử không làm phát sinh quan hệ vợ chồng đồng thời cũng không làm phát sinh nghĩa vụ vợ chồng. 

2. Sống thử, sau chia tay tính như thế nào? 

Việc chia tay sau khi quyết định sống thử với nhau đôi khi nằm ngoài dự tính của các cặp đôi. Bởi rằng, khi sống thử, người thường phát sinh những thói quen dùng chung tài sản, mua chung đồ dùng và thậm chí là có cả con chung. Việc  chia tài sản, chia con sẽ thật dễ dàng nếu như đôi bên có quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, việc sống thử không làm phát sinh quan hệ vợ chồng vì đôi bên không thực hiện đăng ký kết hôn. Vậy lúc này, việc phân chia tài sản, con chung sau chia tay sẽ giải quyết như thế nào? 

Thứ nhất, đối với việc phân chia tài sản:

Tại Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định như sau: 

“Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”.

Như vậy, khi luật hôn nhân và gia đình không điều chỉnh thì pháp luật dân sự sẽ được áp dụng đối với trường hợp này. Cụ thể thì vì không phát sinh quan hệ vợ chồng, tài sản sẽ được chia dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện của các bên. Nghĩa là, tài sản của người nào thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người ấy. Mọi thỏa thuận phải đảm bảo được quyền và lợi ích của phụ nữ và con trong trường hợp có con. 

Thứ hai, đối với vấn đề con chung. 

Khác với việc phân chia tài sản, khi đôi bên sống thử nhưng vẫn có con chung thì Luật hôn nhân và gia đình 2014 lúc này sẽ điều chỉnh. Cụ thể được quy định như sau: 

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Như vậy thì mặc dù không đăng ký kết hôn nhân quyền và nghĩa vụ đối với con cái vẫn được giải quyết theo Luật hôn nhân và gia đình 2014. Khi chia tay vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền của phụ nữ và con. Chẳng hạn như việc, con dưới 36 tháng thì mẹ có quyền ưu tiên được nuôi con,….

Có thể thấy rằng, việc sống thử tuy không bị pháp luật cấm nhưng nó mang tính rủi ro khá cao khi các bên không được pháp luật bảo vệ quyền lợi. Bởi vậy, khi muốn sống thử với người yêu mình thì các bên cũng nên cân nhắc về vấn đề này. 

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
 
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm