Tại sao báo chí lại được dùng ảnh người khác không cần che mặt?

bởi Luật Sư X
Tại sao báo chí lại được dùng ảnh người khác không cần che mặt?

Việc báo chí, báo đài tự do đưa tin kèm với hình ảnh cá nhân không che mờ là điều thấy thường xuyên hiện nay, đặc biệt là những bài báo liên quan đến vụ án hình sự. Tuy nhiên, hành vi này hành vi đã xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm của công dân. Vậy hành vi này đã vi phạm cụ thể quyền nào của công dân và tại sao báo chí biết rõ những điều này vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi này? Hãy đọc bài viết này của Luật sư X để có  đáp án nhé!

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Báo chí có nên đăng tải hình ảnh cá nhân khác không che mờ không?

Việc báo chí đăng tin tức kèm với những hình ảnh của người khác không che mờ là hành vi thiếu cẩn thận. Bởi lẽ, việc các báo đưa tin về một ai đó hay một vụ việc để kịp thời cập nhật tin tức cho người dân là không sai, tuy nhiên việc đưa hình ảnh người khác lên báo nhưng không che mờ, không có sự đồng ý của chính chủ cũng gây ra những phiền toái cho chính bản thân và gia đình người đó. Cụ thể như các trường hợp một người chỉ mới bị cơ quan điều tra bắt tạm giam… nhưng vì các báo đưa tin kèm với việc công nhiên sử dụng bức ảnh người khác dù cho người đó chưa đồng ý và cũng chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan điều tra, gián tiếp khiến cho người dân lầm tưởng và vội kết luận người này là tội phạm. Đây không chỉ là hành vi thiếu sót của người đưa tin mà còn là hành vi vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp 2013 và của Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:

  • Nguyên tắc bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư,bí mật cá nhân
  • Nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân:

Theo đó, việc sử dụng hình ảnh người khác không che mờ của báo chí khi chưa được sự cho phép của người đó là hành vi xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của mỗi người. Cụ thể ở đây, mỗi cá nhân có quyền được tôn trọng hình ảnh của bản thân và người nào muốn dùng hình ảnh thì phải có sự chấp nhận của người đó. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013: 

Điều 21  

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. 

Vì vậy, việc sử dụng công khai, ngang nhiên hình ảnh người khác không có sự cho phép của cá nhân là hành vi trái với nguyên tắc trên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngoại lệ, cụ thể trong một số trường hợp thì báo chí có thể sử dụng hình ảnh của cá nhân công khai, không che mờ và không cần sự đồng ý của cá nhân đó nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh …

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Ta có thể thấy, có 2 trường hợp mà có thể sử dụng hình ảnh cá nhân công khai không cần sự đồng ý là sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, hoặc sử dụng từ các hoạt động công cộng: hội nghị, hội thảo… Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể giải thích vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng là như thế nào nên báo chí vẫn hay dựa trên lý do này để sử dụng hình ảnh cá nhân một cách công khai, toàn diện mà không cần sự cho phép của người đó. Việc đưa tin của báo chí kịp thời tới công chúng là hành vi không có gì để xem xét, nhưng với mục đích nhanh chóng, kịp thời mà các nhà báo thường sử dụng hình ảnh của người khác mà không che mờ gây ra những phiền toái không đáng có cho chính chủ mà cả gia đình của người đó.

Nguyên tắc suy đoán vô tội:

Đặc biệt là trong những vụ án hình sự khi người bị sử dụng hình ảnh chỉ mới bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, tạm giữ… mà chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan nhưng việc các nhà báo đưa tin công khai hình ảnh cá nhân đó khiến cho người dân lầm tưởng và vội vàng kết luận người đó là tội phạm. Tuy nhiên, hành vi này đã vi phạm nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc suy đoán vô tội của Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. …

Theo đó, thì không ai có quyền được kết tội người khác khi chưa có bản án kết tội của Tòa án. Đồng thời, việc báo chí đưa tin kèm hình ảnh không che mờ trong các vụ việc hình sự đã gián tiếp khiến cho người dân mặc nhiên suy đoán, kết luận người bị sử dụng hình ảnh cá nhân là tội phạm. Mặc dù việc đưa tin về những vụ án hình sự, những đối tượng bị nghi ngờ hoặc đang bị điều tra hình sự để giúp cho công chúng có thông tin để cảnh giác với tội pham là một hành vi đúng đắn và là công việc của báo chí nhưng hành vi đưa hình ảnh kèm theo mà không che mờ là hành vi thiếu cẩn thận của người viết báo, có thể gây ra hậu quả khôn lường nếu như sau này người bị sử dụng hình ảnh được cơ quan xác nhận không phải là tội phạm. Đối với hành vi này, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể đối mặt với các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Biện pháp xử lý:

Và với hành vi đưa hình ảnh công khai và không được sự đồng ý của chủ sở hữu thì cá nhân, tổ chức đưa tin có thể bị xử lý nếu như người bị sử dụng hình ảnh có đơn yêu cầu với Tòa án, cụ thể quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trong trường hợp sử dụng trái phép hình ảnh người khác thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh đó, bồi thường thiệt hại nếu hành vi đó gây ra thiệt hại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó cũng có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý khác tùy thuộc quy định của pháp luật. Việc đưa tin tức kèm theo hình ảnh cá nhân của người khác đến với công chúng sẽ là đúng đắn nếu như người đó đồng ý.  Việc báo chí lợi dụng kẽ hở pháp luật cũng như sự hiểu biết pháp luật chưa sâu của cá nhân mà công khai sử dụng hình ảnh người đó, không có biện pháp che mờ nào không chỉ là sự thiếu tôn trọng người bị sử dụng ảnh mà còn xâm phạm đến quyền sử dụng hình ảnh của người đó. Và trong nhiều trường hợp, hành vi này còn có thể khiến cho công chúng mặc nhiên người đó là tội phạm khi chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan điều tra, ảnh hưởng xấu danh dự của người đó cũng như gia đình. Vì vậy, các nhà báo khi đưa tin tức có kèm hình ảnh của cá nhân khác thì nên thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh để không ảnh hưởng đến người khác.cũng như thể hiện mình là một nhà báo có tâm.

Mong bài viết hữu ích cho bạn đọc.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
4/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm