Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện là ai?

bởi Anh
Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện

“Thu hồi đất” là khái niệm chúng ta thường được nghe khi có một dự án lớn được triển khai. Nguồn đất được thu hồi sẽ được lấy ra từ dân cư và có một mức bồi thường giải phóng mặt bằng thoả đáng. “Thu hồi đất” là bước đầu tiên trong việc thực hiện dự án, dù vậy rất nhiều trường hợp do những xung đột về lợi ích việc thu hồi đất không được thực hiện đúng với những quy định của pháp luật. Vậy quy định của pháp luật về thu hồi đất như thế nào? Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện được quy định ra sao? Mời bạn đọc bài viết “Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện” dưới đây của Luật sư X để biết thêm những thông tin chi tiết.

Căn cứ pháp lý

Thu hồi đất là gì?

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại khoản 11 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, “thu hồi đất” được hiểu là trường hợp Nhà nước ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đang thuộc quyền sử dụng đất của người khác nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.

Trên cơ sở khái niệm thu hồi đất được xác định ở trên, có thể hiểu, khi xảy ra sự kiện thu hồi đất thì hộ gia  đình, cá nhân, tổ chức đang sử dụng đất có nghĩa vụ phải trả lại phần đất thuộc diện thu hồi mà họ đang sử dụng cho Nhà nước. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào Nhà nước cũng có thể tự lấy đất từ phía người dân, mà hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 16 và các điều từ Điều 61 đến Điều 65 Luật đất đai năm 2013 thì Nhà nước chỉ được thực hiện việc thu hồi đất nếu việc thu hồi đất thuộc một trong những trường hợp mà pháp luật quy định.

Căn cứ để nhà nước thực hiện thu hồi đất

Một là, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng.

Việc thu hồi đất vì mục đích, quốc phòng, an ninh thường được xác định là thu hồi đất để thực hiện việc xây dựng, tạo dựng các công trình an ninh quốc phòng như nơi đóng quân, trụ sở làm việc của cơ quan công an, quân đội, hoặc xây dựng thành căn cứ quân sự, cảng, ga quân sự, hay kho tang của lực lượng vũ trang; hoặc xây dựng để dựng thành trường bắn, thao trường, khu thử nghiệm hoặc phá bỏ vũ khí quân sự, xây dựng nhà công vụ…. Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật đất đai năm 2013.

Còn thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng được hiểu là thu hồi đất để nhằm thực hiện các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, công trình công cộng – dân sinh, khu đô thị, khu công nghiệp, hay các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực…. và các dự án phát triển kinh tế – xã hội hoặc dự án công trình công cộng khác do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, hoặc các dự án khác do Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận. Các trường hợp này cũng được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật đất đai năm 2013.

Để việc thu hồi đất là hợp pháp thì ngoài việc các dự án buộc thu hồi đất phải là những dự án vì mục đích quốc phòng an ninh được quy định tại Điều 61, 62 Luật đất đai năm 2013 nêu trên thì việc thu hồi đất còn phải được dựa trên căn cứ là kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và tiến độ sử dụng đất trong lộ trình thực hiện dự án.

Hai là, Thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Người đang sử dụng đất có thể bị Nhà nước thu hồi đất nếu trong quá trình sử dụng đất có một trong các hành vi vi phạm quy định của luật đất đai được quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013, Điều 15, Điều 66, 100 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

– Sử dụng đất không đúng mục đích, dù đã bị xử phạt hành chính trước đó mà còn tái phạm.

Nội dung này thường được thể hiện ở việc người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cấp đất, cho thuê quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng vào một mục đích nhất định nhưng trên thực tế, người sử dụng đất cố tình sử dụng vào một mục đích khác hoàn toàn với mục đích sử dụng đất của loại đất đó. Hành vi này của người sử dụng đất được xác định là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.

Ví dụ: Người sử dụng đất xây nhà ở trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm. Trường hợp này, về mặt nguyên tắc, theo khoản 1 Điều 170 Luật đất đai năm 2013, người sử dụng đất phải sử dụng đất mục đích, nghĩa là họ chỉ có thể trồng cây lâu năm trên phần đất nông nghiệp này, còn việc xây dựng nhà ở chỉ được xây dựng trên đất ở. Do vậy, khi họ xây nhà ở trên đất nông nghiệp, thì việc làm của họ đang vi phạm pháp luật đất đai, là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Với hành này, họ sẽ bị xử phạt hành chính đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng thửa đất như ban đầu. Việc thu hồi đất đối với trường hợp này chỉ đặt ra khi mà việc vi phạm của người sử dụng đất diễn ra rất nhiều lần, tái phạm nhiều lần, không khắc phục mặc dù đã bị xử lý hành chính.

– Có hành vi cố ý hủy hoại đất.

Hủy hoại đất, theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, được hiểu là hành vi tác động vào đất (như múc, xới, đào, san lấp…) làm biến dạng địa hình của đất, dẫn đến việc suy giảm chất lượng của đất, làm mất hoặc suy giảm khả năng sử dụng đất hoặc gây ô nhiễm nguồn tài nguyên đất. Khi người sử dụng đất hủy hoại đất nghĩa là họ không có nhu cầu sử dụng đất hay bảo vệ nguồn tài nguyên đất, trong khi đó, mặc dù đất đai là nguồn tài nguyên có giá trị lớn nhưng lại không phải là vô hạn. Vậy nên trong trường hợp người sử dụng đất có hành vi cố ý hủy hoại đất, việc Nhà nước thu hồi phần đất này để sau đó giao lại cho người thực sự cần sử dụng đất là hoàn toàn phù hợp.

– Có hành vi tự ý chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất dù pháp luật không cho phép.

Nội dung này áp dụng trong trường hợp người sử dụng đất mặc dù biết pháp luật không phép chuyển nhượng với phần đất ấy nhưng vẫn cố tình chuyển nhượng, tặng cho cho người khác. Trong đó, các trường hợp không được chuyển nhượng sẽ được xác định theo Điều 191 Luật đất đai năm 2013.

Ví dụ: hộ gia đình, cá nhân được giao đất, cấp đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ nhưng tự ý chuyển nhượng cho người khác sinh sống ngoài khu vực rừng phòng hộ, mặc dù pháp luật có quy định rõ người sử dụng đất sinh sống ngoài khu vực rừng phòng hộ thì không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đối với phần đất đang thuộc khu vực rừng phòng hộ. Trường hợp này, các bên trong quan hệ tặng cho, chuyển nhượng đang cố tình làm trái quy định của pháp luật. Đây là một trường hợp mà Nhà nước được quyền thu hồi đất.

– Có hành vi thiếu trách nhiệm, để cho phần đất do mình quản lý bị lấn, chiếm.

Trường hợp này áp dụng đối với những người sử dụng đất đang được sử dụng phần đất mà Nhà nước giao để quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý họ đã để cho người khác lấn, chiếm đất.

Trong đó, lấn đất được hiểu là một người vì muốn mở rộng diện tích đất mà họ có quyền sử dụng nên đã có hành vi dịch chuyển, làm thay đổi vị trí của ranh giới đất hoặc mốc giới đất đã có trước đó, làm xâm phạm sang phần đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của người khác. Còn chiếm đất được hiểu là việc người sử dụng đất tự ý sử dụng đất khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép, hoặc không chịu trả lại đất được giao, cho thuê có thời hạn mặc dù đã hết thời hạn giao, cho thuê và không được Nhà nước gia hạn. Việc Nhà thu hồi đất trong trường hợp người đang quản lý phần đất mà Nhà nước giao để quản lý nhưng thiếu trách nhiệm làm cho phần đất mình quản lý bị lấn chiếm là hoàn toàn hợp lý. Bởi việc để cho người khác lấn, chiếm phần đất mình quản lý cho thấy việc thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước trong việc quản lý đất đai.

– Đất được giao, cho thuê để sử dụng nhưng không đúng đối tượng hoặc trái thẩm quyền.

– Phần đất mà người sử dụng đất mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn không chấp hành, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

– Đất bị bỏ hoang, không được sử dụng trong một thời gian dài, cụ thể là không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục đối với đất trồng cây hàng năm; 18 tháng liên tục nếu là đất trồng cây lâu năm; 24 tháng liên tục nếu là đất trồng rừng.

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê để nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư nhưng đã bị bỏ hoang, không được đưa vào sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc trong quá trình làm dự án tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Đối với trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể thực hiện việc thu hồi đất nếu có căn cứ về việc người sử dụng đất có hành vi vi phạm trong quá trình sử dụng đất được thể hiện thông qua quyết định hoặc biên bản ghi nhận hành vi vi phạm.

Ba là, Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc do việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người.

Việc quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp này được thực hiện khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật đất đai năm 2013, cụ thể gồm các trường hợp:

– Người đang sử dụng đất tự nguyện trao trả đất lại cho Nhà nước (hay còn gọi là hiến đất).

– Người sử dụng đất là cá nhân bị chết và không có người thừa kế; trường hợp người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì bị giải thể, phá sản, không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển địa điểm kinh doanh.

– Đất đang sử dụng nằm trong khu vực bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sụt lún, sạt lở, bị ảnh hưởng thiên tai là mối đe dọa tính mạng con người.

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng đã hết thời hạn sử dụng đất và không được gia hạn.

Có thể thấy, việc Nhà nước thu hồi đất không được tùy ý mà phải thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật quy định. Đồng thời, dù thu hồi đất trong trường hợp nào thì việc thu hồi đất của Nhà nước cũng sẽ làm chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất kể từ thời điểm thu hồi đất.

Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện
Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện

Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện

Hiện nay, căn cứ theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, không phải cơ quan nào cũng có thẩm quyền thu hồi đất mà theo quy định tại Điều 66 Luật đất đai năm 2013 thì chỉ có Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có thẩm quyền thu hồi đất. Trong đó:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để thu hồi đất trong các trường hợp sau:

– Thu hồi đất mà người sử dụng đất có yếu tố nước ngoài cụ thể là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao trừ trường hợp thu hồi đất của cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

– Thu hồi đối với phần đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

Còn Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (không có yếu tố nước ngoài) hoặc thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, trong khu vực thu hồi đất vừa có đối tượng bị thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vừa có đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của Ủy ban nhân dân cấp huyện thì trường hợp này Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định việc thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.

Như vậy, thu hồi đất là một hình thức mà Nhà nước thu hồi lại quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất. Việc thu hồi dù được thực hiện trong trường hợp này thì chỉ được xác định là hợp pháp nếu thuộc vào một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 16, Điều 61 đến Điều 65 Luật đất đai năm 2013, và được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo Điều 66 Luật đất đai năm 2013.

Mời bạn xem thêm

Thông tin liên hệ:

Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề “Thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp huyện“. Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến tư vấn pháp lý về cấp lại sổ đỏ mới cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả.

Câu hỏi thường gặp

UBND cấp huyện được thu hồi đất trong các trường hợp nào?

Còn Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất đối với các trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư (không có yếu tố nước ngoài) hoặc thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Thu hồi đất được hiểu như thế nào?

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại khoản 11 Điều 3 Luật đất đai năm 2013, “thu hồi đất” được hiểu là trường hợp Nhà nước ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đang thuộc quyền sử dụng đất của người khác nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.

Thẩm quyền  quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như thế nào?

UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm