Thỏa thuận lối đi chung có cần công chứng không?

bởi Hương Giang
Thỏa thuận lối đi chung có cần công chứng không

Khi bị các bất động sản khác vây quanh, người dân có quyền thỏa thuận với hàng xóm để mở lối đi chung. Vậy theo quy định, Thỏa thuận lối đi chung có cần công chứng không? Nguyên tắc sử dụng lối đi chung năm 2022 là gì? Quy định về quyền yêu cầu mở lối đi chung năm 2022 như thế nào? Mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết của Luật sư X để hiểu và nắm rõ được những quy định về vấn đề này nhé. Hi vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.

Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai 2013

Bộ luật dân sự 2015

Lối đi chung là gì?

Hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào của pháp luật đưa ra khái niệm về lối đi chung. Hiểu nôm na, lối đi chung hay trên thực tế còn được gọi là ngõ đi chung; là phần diện tích đất chung được nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng để đi ra đường công cộng. Nói cách khác, đây là phần diện tích đất do nhiều người cùng sử dụng vào mục đích để lưu thông, đi lại từ thửa đất của mình ra các tuyến đường lớn; hoặc đường công cộng của Nhà nước.

Theo quy định của pháp luật cụ thể tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với quyền về lối đi qua. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi bất động sản của chủ sở hữu khác mà không có; hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Như vậy, nếu cá nhân, hộ gia đình không có lối đi. Có thể yêu cầu chủ thể của bất động sản vây bọc mở một lối đi cho mình trên phần đất của chủ thể đó để có lối đi ra. Việc lối đi chung đó có được cấp sổ đỏ hay không phụ thuộc vào nguồn gốc sử dụng đất và sự thỏa thuận giữa những chủ thể có cùng lối đi chung.

Quy định về nguyên tắc sử dụng lối đi chung năm 2022

Điều 248 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề như sau:

Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền; 

2. Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền; 

3. Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

Do đó, khi sử dụng lối đi chung hay sử dụng các bất động sản liền kề khác đều phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc này được xây dựng trên sự thỏa thuận giữa các bên, nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thỏa thuận lối đi chung có cần công chứng không
Thỏa thuận lối đi chung có cần công chứng không

Thỏa thuận lối đi chung có cần công chứng không?

Đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn… luật đất đai có quy định về hình thức của hợp đồng là phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không quy định đối với văn bản thỏa thuận lối đi chung cũng bắt buộc phải lập thành văn bản hay có công chứng, chứng thực. Việc công chứng thỏa thuận lối đi chung là tùy vào nhu cầu của các bên. Thông thường, để đảm bảo sự khách quan cũng như làm tăng giá trị pháp lý của văn bản, văn bản thỏa thuận lối đi chung nên được công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Quyền yêu cầu mở lối đi chung năm 2022

Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 quy định Quyền về lối đi qua. Trường hợp vị trí bất động sản (thửa đất) bị vây bọc bởi bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có; hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì chủ sở hữu của bất động sản bị vây bọc có quyền yêu cầu các chủ sở hữu kia dành cho mình một lối đi hợp lý nhất có thể. Tuy nhiên, nó chỉ áp dụng khi đó là giải pháp cuối cùng; được chấp thuận khi bất động sản hoàn toàn bị vây bọc, bắt buộc phải mở lối đi trên đất của người khác.

Trong trường hợp bất động sản không bị vây bọc toàn bộ mà vẫn còn có đường khác dẫn ra đường công cộng thì yêu cầu mở lối đi chung sẽ không được chấp thuận. Cho dù đường đi xa hơn và không thuận tiện. 

Bên cạnh đó, đối với quyền yêu cầu về lối đi. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản có lối đi cắt qua một khoản chi phí do các bên thỏa thuận. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận; bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

Như vậy, đối với các bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có lối đi ra đường công cộng thì chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc đó có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi trên phần đất của họ.

Khởi kiện tranh chấp lối đi chung như thế nào?

Theo Điều 203 Luật Đất đai 2013 thì trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết.

Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Như vậy, đối với trường hợp này thì khi khởi kiện tranh chấp lối đi chung bạn phải cung cấp cho Tòa án biên bản hòa giải không thành tại ủy ban nhân dân xã thì Tòa án mới xem xét thụ lý đơn, vì hòa giải là thủ tục bắt buộc trong giải quyết tranh chấp đất đai.

Mời các bạn xem thêm bài viết

Thông tin liên hệ

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Thỏa thuận lối đi chung có cần công chứng không”. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục mua bán, cho thuê, cho mượn nhà đất khiếu nại, khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai, lệ phí cấp lại sổ đỏ, … Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.

Liên hệ hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi thường gặp

Lập vi bằng để ghi nhận về thỏa thuận lối đi chung có được không?

Theo quy định, hiện không có bất kỳ quy định nào về hình thức của văn bản thỏa thuận lối đi chung. Do đó, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn hình thức lập vi bằng để ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về quyền với lối đi chung hoặc quyền với bất động sản liền kề. Đặc biệt, trong những trường hợp người được sử dụng lối đi chung phải đền bù một khoản chi phí cho người sở hữu hợp pháp lối đi chung thì vi bằng sẽ là căn cứ có giá trị để ghi nhận về việc thanh toán chi phí này, tránh các tranh chấp xảy ra về sau.

Hàng xóm rào lối đi chung thì có kiện được không?

Theo quy định, bạn có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm đó dành ra một phần đất hợp lý trên phần đất của họ để bạn làm lối đi, tuy nhiên bạn cũng phải hiểu khi gia đình hàng xóm dành cho bạn một phần lối đi thì gia đình bạn cần đền bù cho họ một cách hợp lý. Bạn có thể liên hệ công an khu vực hoặc ủy ban nhân dân địa phương đến hòa giải tại cơ sở, nếu hàng xóm bạn vẫn không chịu, bạn có thể khởi kiện ra tòa để đòi quyền về lối đi qua.

Tranh chấp lối đi chung có phải gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã không?

Theo quy định, nếu có tranh chấp thì trước hết bạn sẽ gửi đơn yêu cầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nơi có đất để hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện nơi có đất.

4/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm