Tiền thâm niên khi nghỉ việc tính như thế nào?

bởi Nguyễn Tài
Tiền thâm niên khi nghỉ việc

Xin chào LSX, tôi có vấn đề như sau cần được luật sư giải đáp: Tôi hiện đang làm việc tại một công ty Nhật Bản. Tổng thời gian tôi làm việc cho công ty là 10 năm. Sắp tới, tôi có ý định nghỉ việc tại công ty để tự mở cửa hàng kinh doanh. Nhưng tôi khá băn khoăn về vấn đề liệu tôi có được công ty chi trả tiền thâm niên khi nghỉ việc hay không? Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của Luật sư X. Đối với vấn đề “Tiền thâm niên khi nghỉ việc” chúng tôi tư vấn như sau: 

Căn cứ pháp lý:

  • Nghị định 204/2004/NĐ-CP
  • Nghị định 77/2021/NĐ-CP

Tiền thâm niên khi nghỉ việc

Tiền thâm niên khi nghỉ việc là một khoản tiền trợ cấp mà một nhân viên, người lao động được nhận sau một khoảng thời gian làm việc tại một công ty hoặc tổ chức. Khoản tiền này có thể được tính dựa trên số năm làm việc của nhân viên trong công ty đó. Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về việc cơ quan, đơn vị, tổ chức chi trả tiền thâm niên khi nghỉ việc cho nhân viên và người lao động.

Do đó, đối với những cán bộ, công chức, viên chức, … (sau đây gọi chung là nhân viên Nhà nước) thực hiện theo chế độ tiền lương mà Nhà nước quy định thì không được hưởng tiền thâm niên khi nghỉ việc mà chỉ được hưởng tiền thâm niên khi đang công tác. 

Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định về pháp luật lao động (không thực hiện theo chế độ tiền lương Nhà nước), pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải trả khoản tiền thâm niên khi nghỉ việc mà sẽ cho phép hai bên thỏa thuận. Vì vậy, người lao động có được hưởng tiền thâm niên khi nghỉ việc hay không sẽ do người sử dụng lao động quyết định theo thỏa thuận của các bên, thỏa ước lao động hoặc quy chế của tổ chức. 

Những đối tượng được hưởng tiền thâm niên theo quy định pháp luật

Phụ cấp thâm niên là chế độ phúc lợi của nhân viên dựa trên thời gian làm việc của họ tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức. Thông thường, phụ cấp này thường tăng lên theo thâm niên làm việc của nhân viên, tức là càng lâu làm việc thì số tiền phụ cấp thâm niên càng cao. Căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Nghị định 77/2021/NĐ-CP, chỉ một số đối tượng cụ thể mới được áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên theo quy định pháp luật. Cụ thể như sau: 

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, bao gồm:

  • Các chức danh lãnh đạo của Nhà nước và các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát quy định tại bảng lương chức vụ và bảng phụ cấp chức vụ ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11.
  • Các chức danh do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
  • Công chức trong các cơ quan nhà nước quy định tại Điều 2 Nghị định số 117/2003/NĐ-CP .
  • Công chức dự bị quy định tại Điều 2 Nghị định số 115/2003/NĐ-CP .
  • Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định tại Điều 2 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP.
  • Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
  • Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP Điều 22 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP.
  • Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

Thứ hai, nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, bao gồm:

  • Nhà giáo gồm viên chức chuyên ngành giáo dục, đào tạo (mang mã số có các ký tự đầu là V.07) và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp (mang mã số có các ký tự đầu là V.09) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
  • Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trường, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập. (1)
  • Các đối tượng không thuộc trường hợp (1) nêu trên mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V.09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. 
Tiền thâm niên khi nghỉ việc

Người lao động có được hưởng phụ cấp thâm niên?

Theo phân tích tại phần trên, những đối tượng được hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên theo chế độ được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Nghị định 77/2021/NĐ-CP. Đối với người lao động – những đối tượng thực hiện theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định. Do đó, chế độ hưởng phụ cấp thâm niên cũng có sự khác biệt. 

Tại Điều 103 Bộ luật Lao động 2019 quy định về phụ cấp lương của người lao động như sau: “Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.”

Như vậy, “Người lao động có được hưởng phụ cấp thâm niên hay không?” sẽ dựa trên sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động được thể hiện tại hợp đồng lao động hoặc căn cứ theo thỏa ước lao động tập thể, quy chế, quy định của người sử dụng lao động. 

Do đó, việc chi trả phụ cấp thâm niên cho người lao động sẽ do người sử dụng lao động tự chủ mà pháp luật không bắt buộc phải chi trả khoản phụ cấp này. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các công ty đều chi trả phụ cấp thâm niên cho người lao động tùy theo thời gian người lao động làm việc tại công ty. 

Cách tính mức phụ cấp thâm niên theo quy định hiện nay

Căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP và Nghị định 77/2021/NĐ-CP, pháp luật hiện hành quy định chế độ phụ cấp thâm niên theo 03 nhóm: Mức phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo đó, phụ cấp thâm niên vượt khung và phụ cấp thâm niên nghề sẽ áp dụng cho những đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang thuộc nhóm thứ nhất (tại phần 1). Còn phụ cấp thâm niên nhà giáo được áp dụng cho những đối tượng là nhà giáo thuộc nhóm thứ hai (tại phần 1). Cách tính mức phụ cấp thâm niên như sau: 

Thứ nhất, phụ cấp thâm niên vượt khung: 

Áp dụng đối với các đối tượng xếp lương theo Bảng 2, Bảng 3, Bảng 4 và Bảng 7 quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ-CP và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11, đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh. Mức phụ cấp như sau:

– Các đối tượng xếp lương theo các ngạch từ loại A0 đến loại A3 của Bảng 2, Bảng 3, các chức danh xếp lương theo Bảng 7 và các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

– Các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của Bảng 2, Bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo Bảng 4: Sau 2 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ ba trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

Lưu ý: Các đối tượng nêu trên, nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hoặc cách chức thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật bị kéo dài thêm thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung so với thời gian quy định như sau:

– Trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì bị kéo dài thêm 06 (sáu) tháng so với thời gian quy định;

– Trường hợp bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức thì bị kéo dài thêm 12 tháng (một năm) so với thời gian quy định.

Thứ hai, phụ cấp thâm niên nghề: 

Áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.

Mức phụ cấp như sau: sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu, hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

Thứ ba, phụ cấp thâm niên nhà giáo

– Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

– Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng:

Mức tiền phụ cấp thâm niên=Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởngxMức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳxMức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng

Mời bạn xem thêm: 

Khuyến nghị

Với phương châm “Đưa luật sư đến ngay tầm tay bạn”, LSX sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn luật lao động tới quý khách hàng. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành và đội ngũ chuyên gia pháp lý chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng tháo gỡ vướng mắc, không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Thông tin liên hệ: 

Vấn đề Tiền thâm niên khi nghỉ việc đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. LSX luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý liên quan như là dịch vụ thám tử theo dõi chồng ngoại tình vui lòng liên hệ đến hotline 0833102102 Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện. 

Câu hỏi thường gặp: 

Phụ cấp thâm niên có tính đóng bảo hiểm xã hội không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, phụ cấp thâm niên là khoản phụ cấp đóng BHXH bắt buộc đối với những đối tượng thực hiện theo chế độ tiền lương của Nhà nước quy định. 
Đối với người lao động, theo quy định tại Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, phụ cấp thâm niên cũng được coi là căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội. 

Những khoảng thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 77/2021/NĐ-CP, thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên bao gồm: 
– Thời gian tập sự.
– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên.
– Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
– Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài vượt quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
– Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
– Thời gian không làm việc khác ngoài các trường hợp trên. 

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm