Cho vay nặng lãi đang diễn ra rất phổ biến, có tổ chức, hoạt động nguy hiểm mang tính chất xã hội đen, thủ đoạn tinh vi. Vậy thế nào là cho vay nặng lãi? hành vi cho vay nặng lãi bị xử lý như thế nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trất tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Quyết định 2868/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 29 tháng 11 năm 2010 quy định về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam.
Nội dung tư vấn:
1.Các mức lãi suất pháp luật quy định
Có hai mức lãi suất mà pháp luật quy định:
1.1. Mức lãi suất do các bên thỏa thuận
Mức lãi suất do các bên thỏa thuận được Bộ luật dân sự quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015:
“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”
Như vậy, trường hợp các bên tự thỏa thuận về mức lãi suất thì không được vượt quá: 20%/năm của khoản tiền vay. Tức là:
Lãi suất tối đa trung bình một tháng là: 1,666%/ tháng.
1.2. Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước
Theo Điều 1 Quyết định 2868/QĐ-NHNN thì mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm. Tức là:
Lãi suất tối đa trung bình một tháng là: 0,75%/tháng.
2. Cho vay nặng lãi là gì?
Cho vay nặng lãi là cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lại suất tối đã được pháp luật quy định. Theo đó nếu trường hợp bên vay không trả được nợ, bên cho vay khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật quy định. Phần vượt quá lại suất mà pháp luật cho phép sẽ không được bảo vệ.
3. Xử lý hành vi cho vay nặng lãi thế nào?
3.1. Xử phạt hành chính
Theo điểm d Khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
” Điều 11: Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
d, Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.“
Mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố hiện nay là 9,0%/năm. Như vậy nếu lãi suất cho vay vượt quá 9,0%/năm x 150%, tức là 13,5%/năm thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
3.2. Xử phạt hình sự
Theo Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cho vay nặng lãi thì:
- Cho vay gấp 05 lần mức lãi suất tối đa quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, tức là gấp 05 lần của 20%/ năm và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Nếu thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của luật sự X về mức xử phạt đối với hành vi cho vay nặng lãi. Rất mong bài viết giúp ích được cho bạn!