Ly hôn là cụm từ mà chúng ta đã từng nghe qua ít nhất 1 lần trong đời. Cuộc sống hiện đại nên kéo theo rất nhiều hệ luỵ mà chính bản thân con người không thể tránh khỏi. Đó chính là sự vội vã trong tình yêu, những cuộc tình chống vánh được mở đầu bằng một đám cưới để rồi không lâu sau đó lại kết thúc bằng một tờ giấy ly hôn. Thế ly hôn là ra Toà xem họ xử hay có cách nào khác hay không?
Câu trả lời là có.
Căn cứ:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Chỉ thị 04/2017/CT-CA
Nội dung tư vấn:
1. Hoà giải là một chế định quan trọng trong luật.
Theo từ điển Tiếng Việt thì hoà giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Hoà giải trong đời sống nói chung và trong tố tụng nói riêng là một quy định không nằm ngoài mục đích đó. Hoà giải trong tố tụng được thực hiện bởi Tòa án với tư cách là bên thứ ba, Toà án tiến hành hoạt động này nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự.
Hòa giải trong tố tụng dân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án; là phương thức hiệu quả để bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Hòa giải thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành án, vì phần lớn quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được tự nguyện thi hành; hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hòa giải còn có ý nghĩa làm rõ yêu cầu, tình tiết, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự nhằm giải quyết đúng đắn vụ án trong trường hợp phải mở phiên tòa xét xử; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án. Đồng thời, hòa giải góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự; nâng cao ý thức pháp luật của người dân; giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân – đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia có nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Quan trọng hơn là nó sẽ giúp hàn gắn những bất đồng phát sinh để từ đó duy trì được một cuộc hôn nhân trọn vẹn. Bởi lẽ có rất nhiều trường hợp các bên khi ly hôn có con chung thì khi đó những người con là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
2. Thế ly hôn có cần hòa giải hay không ?
Đầu tiên phải khẳng định một điều là tâm lý của đại đa số người dân khi phải làm việc với cơ quan công quyền như Toà án điều mong muốn giải quyết vụ việc có liên quan một cách nhanh chóng nhất có thể. Vì nhiều lý do nhưng muốn tiết kiệm thời gian, muốn tiết kiệm chi phí, muốn giải quyết sớm để không còn phải thường xuyên nhìn mặt nhau (nhiều gia đình vẫn sống chung trong thời gian giải quyết ly hôn), hay thậm chí là muốn được chia tài sản thật sớm nên họ đã yêu cầu không cần phải hoà giải mà xử luôn.
Vậy muốn bỏ qua thủ tục này có được không ?
Trước khi trả lời cho câu hỏi này thì chúng ta cần lưu ý hoà giải trong ly hôn có 2 dạng: hoà giải ở cơ sở và hoà giải ở Toà án.
- Hoà giải ở cơ sở.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 52. Hoà giải ở cơ sở
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Cơ sở ở đây là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố). Và theo quy định trên thì quá trình hoà giải ở cơ sở chỉ dừng lại ở mức “khuyến khích”, tức là các bên được quyền lựa chọn có hay không muốn hoà giải tại đây.
- Hoà giải ở Toà án.
Nếu như hoà giải ở cơ sở chỉ dừng lại mức chỉ là 1 sự lựa chọn thì hoà giải ở Toà án lại khác.
Điều 54 Hoà giải tại Toà án
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Và theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì hoà giải trong trường hợp này được quy định như sau:
Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn“
Điều 206. Những vụ án dân sự không được hoà giải.
1. Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
2. Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được
1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Theo nhưng quy định tại Điều 206 thì các trường hợp không được hoà giải đã quá rõ ràng. Khi đó Toà án sẽ không được phép mở thủ tục hoà giải giữa các bên. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra theo quy định tại Điều 207 đó là trong trường hợp ngay sau khi nộp đơn ly hôn, đương sự có đề nghị không tiến hành hòa giải thì Tòa án có tiến hành các thủ tục thông báo phiên hòa giải như các vụ án thông thường hay không?
Điều này đã được giải đáp tại chỉ thị 04/2017/CT-CA của chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc tăng cường công tác hoà giải tại toà án nhân dân.
Điểm b Khoản 1 Mục I:
b) Các vụ án dân sự phải được Tòa án tiến hành hòa giải, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được. Đây là quy định bắt buộc của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Từ quy định trên có thể thấy các trường hợp thuộc Điều 207 BLTTDS thì Toà án sẽ không tiến hành hoà giải, còn các trường hợp còn lại thì Thẩm phán sẽ phải hoà giải vì đây là quy định bắt buộc.
Một lưu ý là hiện nay việc hoà giải sẽ được thực hiện trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ có liên quan đến vụ án. Trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Bộ luật này thì Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải – Khoản 2 Điều 208 BLTTDS
Thế nếu thuộc trường hợp phải tiến hành hoà giải thì số lần tiến hành hoà giải là bao nhiêu ?
Hiện nay luật không quy định số lần mở phiên hoà giải khi giải quyết mà điều này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán được phân công. Thông thường nếu hoà giải thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. – Khoản 5 Điều 211, Khoản 1 Điều 212 BLTTDS. Trường hợp hoà giải không thành thì thông thường Thẩm phán sẽ tiếp tục mở phiên hoà giải thứ hai, thứ ba…v.v. Sau đó sẽ ra các quyết định có liên quan tuỳ thuộc vào tình hình thực tế (tạm đình chỉ; đình chỉ; đưa vụ án ra xét xử).
Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn !
Tham khảo thêm các bài viết có liên quan:
► Muốn ly hôn thì nộp đơn ở đâu?
►Toà giải quyết việc nuôi con trong trường hợp ly hôn như thế nào?
► Án phí trong ly hôn phải nộp bao nhiêu?
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ thủ tục ly hôn tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay