Căn cứ pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP
- Bộ luật Hình sư 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Nội dung tư vấn
1. Định nghĩa, giải thích
Trước khi đi vào giải quyết nội dung chính của câu hỏi, mời mọi người cúng tìm hiểu về các thuật ngữ sau theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
1. Hôn nhân: theo khoản 1 Điều 3 của Luật này thì “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”.
2. Kết hôn: theo quy định tại khoản 5 Điều 3 thì “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn“
3. Cản trở kết hôn: theo quy định tại khoản 10 Điều 3, cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này
Theo đó, việc cha mẹ cản trở hôn nhân của con cái có nghĩa là cha, mẹ đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc con mình xác lập quan hệ vợ chồng với người khác.
2. Cha mẹ có được cản trở việc hôn nhân của con cái không?
Quyền kết hôn là một trong những quyền nhân thân quan trọng gắn với mỗi người. Luật pháp về hôn nhân và gia đình của mọi quốc gia đều quy định quyền kết hôn của mỗi người, đồng thời định ra những nguyên tắc, điều kiện kết hôn phù hợp với chế độ chính trị, văn hóa, phong tục, tập quán và tôn giáo của quốc gia mình.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam nữ khi đáp ứng các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì có thể tự do kết hôn. Cụ thể như sau:
“Điều 8: Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”
Từ đó, ta thấy, khi nam, nữ đủ tuổi kết hôn và đáp ứng các điều kiện trên, thì việc kết hôn là ý chí tự nguyện của đôi bên, không một chủ thể nào có thể ngăn cấm, phản đối dù cho có là bậc sinh thành dưỡng dục đi chăng nữa. Vì khi mất đi ý chí tự nguyện của đôi nam nữ thì việc kết hôn sẽ là trái pháp luật. Việc ngăn cấm của cha mẹ sẽ trở thành nhân tố gây ra hành vi vi phạm pháp luật trong hôn nhân gia đình và sẽ bị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
3. Xử phạt khi cha mẹ có hành vi cấm cản hôn nhân của con cái?
Như đã nói ở trên, kết hôn là do đôi nam nữ tự nguyện, nếu cha mẹ dùng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để cố tình ngăn cản không cho con cái kết hôn thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Khi đó, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất của hành vi ngăn cấm. Cụ thể:
Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào ngăn cấm người khác kết hôn tự nguyện, tiến bộ bằng các hành vi nêu trên thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
“Điều 55. Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.”
Chịu trách nhiệm hình sự
Không chỉ vậy, nếu hành vi nêu trên đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sư 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
“Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”
Từ những điều trên, ta thấy, việc cha mẹ cấm đoán sẽ không ảnh hưởng đến quyền được đăng ký kết hôn của con cái. Tuy nhiên, dù không ảnh hưởng nhưng trong mối quan hệ gia đình, việc có sự đồng ý của cha mẹ cũng rất quan trọng. Đặc biệt là trong xã hội Việt Nam luôn đề cao chữ hiếu.
Mặt khác, việc cha mẹ ngăn cản hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của con cái không chỉ gây mất đoàn kết trong gia đình mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, nếu gặp phải tình huống trên, tốt nhất nên cố gắng thuyết phục, giải thích cho cha mẹ hiểu về quy định pháp luật cũng như tình cảm của bản thân, chứng minh cho cha mẹ thấy lựa chọn của mình là đúng vì cha mẹ nào mà chẳng thương con, “mưa dầm thấm đất”.
Hi vọng bài viết trên hữu ích với mọi người!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư hôn nhân tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102