Khiếu nại là việc cá nhân, hay tổ chức thực hiện việc khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhằm xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước…Vậy khi thực hiện việc khiếu nại về đất đai thì thẩm quyền giải quyết thuộc về chủ thể nào, ai có quyền khiếu nại đất đai. Cùng theo dõi bài viết của Luật sư X về vấn đề ai có quyền khiếu nại về đất đai.
Căn cứ:
- Luật đất đai năm 2013
- Luật khiếu nại năm 2011
Nội dung tư vấn:
1. Khiếu nại là gì?
Theo căn cứ tại Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại năm 2011 quy định: Khiếu nại là việc công dân, tổ chức, cán bộ công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi vi phạm hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc quyết định trong kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của của mình.
Như vậy theo quy định của pháp luật, chủ thể thực hiện quyền khiếu nại ở đây bao gồm: Công dân, Tổ chức, cán bộ, công chức. Và đối tượng bao gồm:
– Quyết định hành chính
– Hành vi vi phạm hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước, người thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước.
– Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
2. Khiếu nại đất đai là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 quy định về khiếu nại thì khiếu nại đất đai được hiểu như sau:
– Khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Do đó, để xác định được đúng thẩm quyền giải quyết khiếu nại đất đai phải xác định được chính xác quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do ai ban hành, thực hiện.
3. Đối tượng khiếu nại về đất đai
Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Việc xác định quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai là đối tượng bị khiếu nại khá phức tạp. Luật Đất đai 2013 và văn bản hướng dẫn thi hành không quy định rõ quyết định hành chính, hành vi hành chính nào là đối tượng khiếu nại như Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Như vậy, để xác định được đối tượng khiếu nại đất đai phải căn cứ vào Luật Khiếu nại 2011 và quy định của Luật Đất đai 2013 như sau:
Theo khoản 8, 9 Luật Khiếu nại 2011 quyết định hành chính, hành vi hành chính được quy định như sau:
- Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
- Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Theo khái niệm trên và thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai quy định tại Điều 59, 66, 105 và Điều 203 Luật Đất đai 2013 thì những quyết định hành chính về quản lý đất đai là đối tượng khiếu nại gồm:
– Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
– Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
– Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
– Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai;
– Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng khi làm hồ sơ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị từ chối cấp giấy chứng nhận hoặc tiếp nhận hồ sơ nhưng quá thời hạn mà không cấp thì hộ gia đình, cá nhân có quyền khiếu nại.
Hành vi hành chính về quản lý đất đai: Là hành vi của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền để ban hành các quyết định quản lý hành chính về đất đai với các hành vi thường gặp như: Chậm thực hiện, thực hiện không đúng, không thực hiện, gây khó dễ cho người sử dụng đất khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất…
Như vậy, đối tượng bị khiếu nại theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể từng loại quyết định, hành vi. Trên đây là những quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai chủ yếu, thường gặp.
4. Ai có quyền khiếu nại về đất đai.
Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 những người có quyền khiếu nại về đất đai bao gồm:
Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Như vậy có hai phương thức để bảo vệ quyền của mình: khiếu nại hoặc khởi kiện bằng một vụ án hành chính. Mỗi cách thức có những ưu điểm, hạn chế khác nhau.
Để thực hiện quyền khiếu nại về đất đai thì người dân phải biết được ai có quyền khiếu nại (người khiếu nại), đối tượng khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cụ thể:
– Người khiếu nại gồm: Người sử dụng đất; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất; người được ủy quyền:
Người sử dụng đất gồm:
+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước;
+ Tổ chức sử dụng đất như: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;
+ Cộng đồng dân cư;
+ Cơ sở tôn giáo;
+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại;
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất như:
+ Người nhận tặng cho quyền sử dụng đất;
+ Người nhận chuyển nhượng (người mua đất) quyền sử dụng đất…
(Khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho mà làm thủ tục đăng ký biến động (thủ tục sang tên giấy chứng nhận) mà bị từ chối, chậm thực hiện…thì có quyền khiếu nại).
Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại, cụ thể:
+ Tự mình khiếu nại: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền tự mình viết đơn và thực hiện khiếu nại theo thủ tục quy định.
+ Người đại diện theo pháp luật của người sử dụng đất thực hiện việc khiếu nại (chỉ áp dụng khi người sử dụng đất là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự).
+ Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
5. Phương thức khiếu nại:
Theo quy định của Luật khiếu nại 2011, chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho bạn như sau:
+ Trình tự giải quyết khiếu nại:
Theo quy định tại Khoản 1-Điều 7-Luật Khiếu nại năm 2011 bạn sẽ có quyền khiếu nại lần đầu. Trong trường hợp không đồng ý kết quả giải quyết hoặc quá thời hạn giải quyết (không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý, vụ việc phức tạp có thể kéo dài tới 45 ngày) mà không giải quyết thì người có quyền khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện bằng một vụ án hành chính ra Tòa án.
Giải quyết khiếu nại lần 2: trường hợp bạn cũng không đồng ý hoặc hết thời hạn giải quyết (không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý, vụ việc phức tạp có thể kéo dài không quá 60 ngày, ở vùng sâu, vùng xa có thể kéo dài không quá 75 ngày) mà không giải quyết thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án.
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về vấn đề ai có quyền khiếu nại về đất đai theo quy định của pháp luật.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn !
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ tư vấn luật đất đai tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102