Các bạn nghĩ sao về hiện tượng bữa ăn đêm gần 700 triệu, tiền cước taxi gấp 10 lần giá quy định, giá vé du lịch dịp Tết tăng gần 10 lần giá vé thường ngày dành cho du khách?…. Đây chính là thực trạng “chặt chém” diễn ra tại Việt Nam trong những năm qua. Đây là vấn đề đáng báo động cho diện mạo của ngành du lịch Việt Nam. Đứng ở góc độ kinh tế vấn nạn này đã kìm hãm sự phát triển du lịch nước nhà, giảm nguồn thu cho nhà nước. Vậy còn đứng ở góc độ pháp lý thì sao? Nó có vi phạm pháp luật hay không? Hãy cùng Luật sư X tìm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ:
- Nghị định 109/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
- Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
Nội dung tư vấn
1. Chặt chém du khách được hiểu như thế nào?
Qua các phương tiện truyền thông hiện nay chúng ta thấy đã có rất nhiều hiện tượng chặt chém đối với du khách đến Việt Nam để du lịch. Xoay quanh câu chuyện cùng loại đồ ăn thức uống nhưng giá mà du khách phải trả lên gấp chục lần so với người bình thường, điển hình nhà hàng chặt chém khách với một bữa ăn lên tới 20 triệu đồng trong khi cũng chỉ là những món ăn dân dã, quen thuộc thường ngày mà lẽ ra chỉ khoảng vài trăm nghìn là cao. Hay hình ảnh người nước ngoài ngồi xích lô 5 phút mà cái giá phải trả lên tới vài triệu đồng…
Từ một số ví dụ trên chúng ta có thể hiểu rằng: chặt chém chính là việc người bán hàng, cung cấp dịch vụ lợi dụng sự thiếu hiểu biết về tình hình giá cả của Việt Nam của du khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ lên cao đột ngột so với giá quy định nhằm mục đích trục lợi, bất chấp hình ảnh của đất nước.
Vấn nạn này đang diễn ra rất phổ biến trong thời gian gần đây, đòi hỏi cần được giải quyết nhanh chóng để đảm bảo trả lại môi trường du lịch Việt Nam lành mạnh, trong sạch, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
2. Chặt chém du khách có vi phạm pháp luật không?
Việc tăng giá lên cao dù là xuất phát từ lý do gì thì cũng đã vi phạm quy định pháp luật, bởi vì nguyên tắc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải tuân thủ giá công khai, niêm yết.
Theo quy định tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đồng thời tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cũng phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc thấp hơn giá niêm yết.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 149/2017/NĐ-CP như sau:
Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ
1. Phạt tiền từ 500.000 – 01 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
a, Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
b, Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
2. Phạt tiền từ 01 – 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a, Hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;
b, Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
3. Phạt tiền từ 05 -10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.
………
Đối chiếu theo quy định tại Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP thì hành vi chặt chém du khách của những người bán hàng hóa, dịch vụ là vi phạm pháp luật về giá và sẽ bị xử phạt như sau:
Điều 13. Hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a, Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b, Tăng giá theo giá thị ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Như vậy mức phạt đối với hành vi tăng giá bất hợp lý mà chúng ta hay gọi theo cách nói thông thường là chặt chém là từ 1.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và mức phạt tiền cụ thể sẽ phụ thuộc vào giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
Bên cạnh số tiền phạt chính trên thì người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó là phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi được do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 49/2016/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực du lịch thuộc thẩm quyền của nhiều cấp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ vi phạm của người vi phạm mà xác định thẩm quyền giải quyết vi phạm tương ứng.
Vì vậy khi du khách bị chặt chém mức giá bất hợp lý thì phương án du khách có thể làm là phải trình báo với cơ quan có thẩm quyền như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra Bộ tài chính,… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.
Hy vọng bài viết hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay