Để khuyến khích nền sản xuất trong nước đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam với hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia khác trên thị trường nhập khẩu, pháp luật về thuế giá trị gia tăng đã quy định một số loại hàng hóa được áp dụng mức thuế suất 0% khi đáp ứng được các điều kiện nhất định. Vậy những hàng hóa nào sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0% trên. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý
- Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế năm 2016.
- Thông tư 219/2013/TT – BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ – CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
- Thông tư 130/2016/TT – BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các Thông tư về thuế.
Nội dung tư vấn
Khái niệm “thuế tiêu giá trị gia tăng”
Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định.
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế tiêu dùng nhằm động viên một bộ phận thu nhập của người chịu thuế đã sử dụng để mua hàng hóa, nhận dịch vụ.
Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng quy định: “Thuế giá trị gia tăng là thuế thu trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Như vậy, xét về bản chất thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu. Các nhà sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ là người nộp thuế nhưng người tiêu dùng mới thực chất là người chịu thuế thông qua giá cả của hàng hóa, dịch vụ.
Mời bạn đọc xem thêm: Được tặng cho quyền sử dụng đất có phải nộp thuế hay không?
Thuế suất và thuế suất 0%
Thuế suất được hiểu là mức độ mà dựa vào đó người nộp thuế phải nộp một khoản tiền nhất định tính trên một đơn vị đối tượng chịu thuế.
Thuế suất có thể được quy định theo tỷ lệ phần trăm (thuế suất tỷ lệ) hoặc được quy định cố định theo những mức độ nhất định. Trường hợp áp dụng thuế suất cố định, cũng cần phải phân biệt chúng với mức thuế khoán được cơ quan thuế áp dụng đối với người nộp thuế nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước. Đối với thuế suất tỷ lệ, các quốc gia thường quy định nhiều loại thuế suất tỷ lệ khác nhau, đáng chú ý là các loại thuế suất tỷ lệ thông thường, thuế suất lũy tiến, thuế suất 0%.
Thuế suất 0% là mức thuế suất đặc biệt, thể hiện ở chỗ về biểu hiện bên ngoài, người nộp thuế có nghĩa vụ kê khai thuế nhưng thực tế không phải nộp tiền thuế. Áp dụng thuế suất 0% làm tăng khả năng tăng cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường quốc tế do khi đó hàng hóa đi vào thị trường quốc tế sẽ không mang giá có thuế.
Hàng hóa được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 0%
Các loại hàng hóa thuộc diện được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 0%
Hiện nay, pháp luật thuế giá trị gia tăng của Việt Nam quy định 03 mức thuế suất áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể là 03 mức: 0%, 5% và 10%. Quy định này một mặt giải quyết yêu cầu về khoảng cách giữa mức thuế suất (một trong những hạn chế của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1998) đồng thời cũng được coi là “bước đệm” cho việc tiến tới áp dụng một mức thuế suất duy nhất trong giai đoạn tới.
Khoản 1 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định: “Mức thuế suất 0% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 của Luật này khi xuất khẩu, trừ các trường hợp chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ cấp tín dụng, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phát sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa qua chế biến quy định tại khoản 23 Điều 5 của Luật này”.
Và quy định này được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT – BTC. Cụ thể là: “Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này”.
Theo quy định trên thì hàng hóa được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 0% bao gồm:
Thứ nhất, hàng hóa xuất khẩu.
Hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa được bán cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
- Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
- Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
- Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;
- Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
- Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
- Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
- Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
Thứ hai, hàng hóa thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, trừ các trường hợp không được áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT – BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT – BTC như: sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; hàng hóa cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan, trừ các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; xăng, dầu bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan mua tại nội địa; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan.
Việc quy định hàng hóa thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu cũng được hưởng thuế suất giá trị gia tăng là 0% là một trong những điểm mới của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008. Điểm mới này thể hiện quan điểm: Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ để phục vụ nội bộ nền kinh tế trong nước mà còn mong muốn thúc đẩy việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ này ra khỏi biên giới Việt Nam.
Điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu
Điều kiện áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT – BTC. Cụ thể là:
- Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
- Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
- Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 219/2013/TT – BTC.
Riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh.
Ví dụ: Công ty A và Công ty B (là các doanh nghiệp Việt Nam) ký hợp đồng mua bán dầu nhờn. Công ty A mua dầu nhờn của các công ty ở Singapo, sau đó bán cho Công ty B tại cảng biển Singapo. Trường hợp Công ty A có: Hợp đồng mua dầu nhờn ký với các công ty ở Singapo, hợp đồng bán hàng giữa Công ty A và Công ty B; chứng từ chứng minh hàng hóa đã giao cho Công ty B tại cảng biển Singapo, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty A chuyển cho các công ty bán dầu nhờn ở Singapo, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty B thanh toán cho Công ty A thì doanh thu do Công ty A nhận được từ bán dầu nhờn cho Công ty B được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
Việc quy định mức thuế suất 0% tạo cơ hội cho các đối tượng này hoàn thuế giá trị gia tăng đã xuất hiện ở khâu trước, nhưng đồng thời cũng tạo khả năng cạnh tranh giữa hàng hóa có xuất xứ Việt Nam với hàng hóa của các quốc gia khác vào thị trường nhập khẩu.Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hi vọng bài viết hữu ích đối với bạn!
Câu hỏi thường gặp
Câu trả lời là không. Hoạt động kinh doanh dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài không được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 0%.
Các dịch vụ của ngành hàng hải áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ lai dắt tàu biển; hoa tiêu hàng hải; cứu hộ hàng hải; cầu cảng, bến phao; bốc xếp; buộc cởi dây; đóng mở nắp hầm hàng; vệ sinh hầm tàu; kiểm đếm, giao nhận; đăng kiểm.
Vận tải quốc tế bao gồm vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc cả điểm đi và đến ở nước ngoài, không phân biệt có phương tiện trực tiếp vận tải hay không có phương tiện. Trường hợp, hợp đồng vận tải quốc tế bao gồm cả chặng vận tải nội địa thì vận tải quốc tế bao gồm cả chặng nội địa.
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về Các loại hàng hóa được áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0%. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Nếu có thắc mắc và cần nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư X; hãy liên hệ 0833 102 102