Thuế giá trị gia tăng là gì, cách tính thuế giá trị gia tăng?

bởi Vudinhha

Trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh thì các chủ thể kinh doanh đều phải nộp thuế. Một trong những loại thuế đó là thuế giá trị gia tăng. Vậy thuế giá trị gia tăng là thuế gì và cách tính như thế nào? Nếu bạn chưa nắm rõ vấn đề này thì hãy tham khảo bài viết này nhé!

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Thuế giá trị gia tăng là gì?

Trước khi tìm hiểu thuế giá trị gia tăng là gì thì chúng ta phải hiểu rõ ” giá trị gia tăng” là gì? Giá trị gia tăng là giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Hay hiểu cách khác là phần chênh lệch giữa giá trị mua vào và giá trị bán ra.

Vậy thuế giá trị gia tăng là thuế đánh vào phần giá trị tăng thêm đó.Đây là loại thuế gián thu. Vậy thuế gián thu được hiểu như thế nào? Thuế gián thu là loại thuế mà người nộp không phải là người tiêu dùng. Hay nói cách khác là người tiêu dùng là người chịu thuế, còn người nộp là người cung cấp hàng hóa dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, thuế giá trị gia tăng còn hay được gọi là VAT, VAT là viết tắt của cụm từ tiếng anh Value Added Tax, và nghĩa tiếng Việt là thuế giá trị gia tăng. Nó là một dạng của thuế bán hàng, ra đời vào năm 1954 do một nhà kinh tế học người Pháp nghĩ ra. Như đã nói đối tượng chịu thuế của thuế giá trị gia tăng là Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật giá trị gia tăng 2008.

2. Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng:

Thông thường khi nhắc đến thuế giá trị gia tăng thì mọi người đều nghĩ đến mức thuế suất 10%, tuy nhiên, thực tế thì thuế giá trị gia tăng có tất cả 3 mức thuế suất gồm: 0%, 5% và 10%. Hiển nhiên, đối tượng chịu thuế khác nhau thì sẽ được mức thuế khác nhau, cụ thể như sau:

Mức thuế 0%:

  • Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp sau đây:
  • Chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài;
  • Dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài;
  • Dịch vụ cấp tín dụng;
  • Chuyển nhượng vốn;
  • Dịch vụ tài chính phái sinh;
  • Dịch vụ bưu chính, viễn thông;
  • Sản phẩm xuất khẩu quy định tại điểm 23 trên

Mức thuế 5%:

  • Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt
  • Quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;
  • Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp;
  • Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến, trừ sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế VAT
  • Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá;
  • Thực phẩm tươi sống; lâm sản chưa qua chế biến, trừ gỗ, măng và sản phẩm thuộc đối tượng không chịu thuế VAT;
  • Đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn;
  • Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và các sản phẩm thủ công khác sản xuất bằng nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp; bông sơ chế; giấy in báo;
  • Thiết bị, dụng cụ y tế; bông, băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; sản phẩm hóa dược, dược liệu là nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh;
  • Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập, bao gồm các loại mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước kẻ, com-pa và các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học;
  • Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim;
  • Đồ chơi cho trẻ em; sách các loại, trừ sách quy định thuộc đối tượng không chịu VAT
  • Dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật khoa học và công nghệ;
  • Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở

Mức thuế 10%: Các loại hàng hóa, dịch vụ khác

3. Cách tính VAT (thuế giá trị gia tăng):

Luật giá trị gia tăng 2008 quy định có hai phương pháp để tính thuế giá trị gia tăng: phương pháp trực tiếp và phương pháp khấu trừ

Trường hợp 1: tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế

a,Đối tượng áp dụng:

Theo Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng với các đối tượng sau:

  • Cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  • Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng;
  • Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế…

b,Công thức tính thuế:

Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó,

  • Thuế GTGT đầu vào bằng tổng số thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
  • Số thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT. Thuế GTGT ghi trên hóa đơn được xác định như sau:
    • Thuế GTGT ghi trên hóa đơn = Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó

Lưu ý: Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế xác định dưới đây.

Giá chưa có thuế GTGT = Giá thanh toán/ ( 1+ thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%) )

Ví dụ:

Các nghiệp vụ phát sinh trong tháng 7 của Công ty cổ phần Z  như sau: 1. Ngày 03/07 xuất bán cho công ty TNHH Hoàng Anh 500 thùng sữa với đơn giá chưa thuế GTGT 10% là 200.000đ/thùng 2. Ngày 28/07 xuất bán 200 thùng bánh với đơn giá chưa thuế GTGT 10% là 50.000đ/thùng 3. Ngày 29/07 mua 300 thùng bia với đơn giá 300.000đ/ thùng.

Bài giải: Số thuế GTGT đầu ra = (500 x 200.000 + 200 x 50.000) x 10%= 11.000.000đ

Số thuế GTGT đầu vào = 300 x 300.000 x 10% = 9.000.000đ => Số thuế GTGT phải nộp = 11.000.000 – 9.000.000 = 2.000.000đ

Trường hợp 2: tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp

a,Đối tượng áp dụng:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm < 01 tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế.
  • Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế
  • Hộ, cá nhân kinh doanh;
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

b,Công thức tính thuế

Số thuế GTGT phải nộp = tỷ lệ % x doanh thu

Trong đó,

  • Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
    • Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
    • Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
    • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
    • Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
  • Doanh thu: doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

* Tính thuế GTGT với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá qúy (trường hợp đặc biệt).

Theo Thông tư 219/2013/TT-BTC số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT được tính như sau:

Thuế GTGT phải nộp = GTGT x thuế suất GTGT

Trong đó,

GTGT = Giá thanh toán bán ra – Giá thanh toán mua vào tương ứng

  • Giá thanh toán bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng
  • Giá thanh toán mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.

Ví dụ: Doanh nghiệp A kinh doanh đồ chơi cho trẻ em và nộp thuế giá trị gia tăng với mức thuế 5% theo quy định pháp luật. Tháng 6 doanh nghiệp A có doanh thu là 100.000.000đ. Thuế GTGT mà tháng 6 doanh nghiệp A phải nộp là: 5% x 100.000.000 = 5.000.000đ

Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Câu hỏi thường gặp

Hanh vi trốn thuế có bị xử lý hình sự không?

Hành vi trốn thuế sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 khi:
– Đối với cá nhân trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng có nhân thân xấu;
– Đối với pháp nhân trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng có nhân thân xấu;

Tại sao phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

đóng thuế thu nhập cá nhân được xác định là nghĩa vụ mà cá nhân phải thực hiện hoàn tất. Khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ về hoàn thành nộp thuế thu nhập cá nhân điều này nhằm đảm bảo cuộc sống của chúng ta được phát triển, cụ thể:
– Tăng khoản thu nhập trong ngân sách của nhà nước để đảm bảo các phúc lợi về xã hội; dự án hạ tầng công cộng được xây dựng, thực hiện phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống.
– Cân bằng về mức độ giàu nghèo đồng thời giảm, tránh sự phân biệt sự giàu nghèo trong xã hội.
– Tăng trưởng sự phát triển về kinh tế;
– Đảm bảo các nguồn thu nhập của cá nhân được thu từ các nguồn hợp pháp.

Doanh nghiệp trốn thuế bị xử lý như thế nào?

Doanh nghiệp trốn thuế sẽ chịu xử phạt hành chính cụ thể ở các mức
– Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận;
– Phạt tiền 1,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: vi phạm lần đầu, có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ hai, có một tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền 2 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vi phạm lần thứ ba và có một tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền 2,5 lần tính trên số thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có một tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm lần thứ ba mà không có tình tiết giảm nhẹ.
– Phạt tiền 3 lần tính trên số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế khi có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong các trường hợp: vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết tăng nặng trở lên hoặc vi phạm lần thứ ba có tình tiết tăng nặng hoặc vi phạm từ lần thứ tư trở đi.
Ngoài ra, các hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt tiền theo quy định trên còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp đủ số tiền thuế trốn, gian lận vào ngân sách nhà nước

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm