Chuyển nhượng, tặng cho qsdđ chỉ qua giấy viết tay có được không?

bởi DangNgocHa
Chuyển nhượng tặng cho qsdđ chỉ qua giấy viết tay có được không

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của mình một phần thông qua việc trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Ngoài các quyền chung của người sử dụng đất theo điều 160 Luật Đất đai 2013, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người sử dụng đất còn có quyền tặng cho quyền sử dụng đất. Trên thực tế với sự đa dạng của các tình huống phát sinh, người sử dụng đất vẫn còn có rất nhiều thắc mắc khi thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất. Để hiểu hơn về vấn đề này hãy cùng Luật sư X tìm hiểu thông qua tình huống sau đây:

“Cô em có mảnh đất 217m2  giờ muốn cắt cho em 100m2, ra xã và huyện thì gây khó dễ cho em, nên từ lâu rồi vẫn chưa tách được. Bây giờ em muốn viết giấy cho tặng hoặc mua bán 100m2 đấy bằng tay thì có giá trị pháp lý không ạ? Mong được luật sư tư vấn giúp, em cảm ơn!”

Căn cứ pháp lý

Luật đất đai 2013 chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2014

Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Nghị định 01/2017/NĐ-CP

Quy định về tách thửa đất

Hiện nay, việc tách thửa đất đối với thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hoạt động được pháp luật đất đai thừa nhận và quy định là một trong những trường hợp phải đăng ký đất đai theo điều 95 Luật đất đai 2013;“Đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý”.Người sử dụng đất tách thửa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo điểm i, khoản 1 điều 99 Luật đất đai 2013.

Cần lưu ý, việc tách thửa đất không được thực hiện một cách bừa bãi, cảm quan mà phải đáp ứng các điều kiện nhất định về tách thửa đất và phải được tuân theo thủ tục do pháp luật quy định.

Căn cứ vào điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;  khoản 31 điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, việc tách thửa đất phải đáp ứng các điều kiện về tách thửa đất:

– Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với thửa đất định tách thửa

– Đáp ứng diện tích đất tối thiểu được tách thửa (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương)

Trình tự, thủ tục tách thửa đất hiện đang được quy định cụ thể tại điều 75 Nghị định 43/NĐ-CP; Bên cạnh đó, thời gian giải quyết yêu cầu tách thửa đất của cơ quan có thẩm quyền là không quá 15 ngày căn cứ khoản 40 điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

Ý kiến tư vấn:

Do đó, trong trường hợp cô của bạn muốn tách thửa mảnh đất 217m2 thì việc tách thửa cần đáp ứng điều kiện tách thửa và được thực hiện theo trình tự, thủ tục nêu trên. Cần lưu ý nếu việc tách thửa 217m2 đất trên mà vẫn đứng tên chủ cũ (là cô của bạn hoặc chủ sở hữu chung hiện tại của mảnh đất 217m2) thì chỉ cần thực hiện thủ tục tách thửa; Trường hợp tách thửa xong mà mảnh đất 100m2 mới được đứng tên của bạn thì vì bạn không phải chủ sở hữu mảnh đất 217m2 trước đó, nên trường hợp này cần thực hiện thêm thủ tục chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất; sẽ được chúng tôi giới thiệu ở mục dưới. Trường hợp bạn nhận thấy việc tách thửa bị gây khó dễ, bạn có thể cung cấp thông tin rõ hơn là khó dễ ở bước nào, khi bạn nộp hồ sơ yêu cầu tách thửa thì cơ quan quản lý có phản hồi như thế nào? Có thể việc tách thửa đất của cô bạn chưa đáp ứng được các điều kiện tách thửa tại địa phương. Nếu cơ quan quản lý không nêu rõ lý do, bạn có quyền làm đơn yêu cầu cung cấp thông tin để giải thích rõ vấn đề trên. Trong trường hợp nhận thấy phản hồi, quyết định của cơ quan quản lý không đúng theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân, bạn có quyền nộp đơn khiếu nại lên cấp có thẩm quyền. Hiện Luật sư X có cung cấp các dịch vụ về thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai, làm tách thửa đất, bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn cụ thể.

Quy định về chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất

Tùy trường hợp pháp luật quy định, người sử dụng đất được phép thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, trong đó có giao dịch chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, được quy định chung tại điều 167 Luật Đất đai 2013. Khi người sử dụng đất thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất thì phải tuân theo các quy định pháp luật về:

– Căn cứ vào loại đất, hình thức tiếp cận đất, thời hạn sử dụng đất, loại người sử dụng đất để xác định xem trong từng trường hợp người sử dụng đất có quyền tặng cho quyền sử dụng đất hay không. Ví dụ: Đối với loại đất là đất thương mại, dịch vụ có hình thức tiếp cận đất đai là thuê đất trả tiền hằng năm, thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền quyền sử dụng đất mà chỉ được phép bán, tặng cho tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê

– Người nhận quyền sử dụng đất phải đáp ứng quy định tại điều 169 Luật Đất đai 2013 và không được thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất tại điều 191 Luật Đất đai 2013

– Thời điểm được thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất, về cơ bản là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại điều 168 Luật đất đai 2013

– Hình thức giao dịch phải được lập thành hợp đồng, có công chứng hoặc chứng thực theo khoản 3 điều 167 Luật đất đai 2013.  Hợp đồng được công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc được chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Về trình tự, thủ tục thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất phải được thực hiện theo quy định tại điều 79, Nghị định 43/2014/NĐ-CP. “ Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.”

– Đáp ứng các điều kiện cụ thể tại điều 188 Luật Đất đai 2013:

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”

Ý kiến tư vấn:

Trong trường hợp cô của bạn muốn chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất đối với 100m2 đất trong thửa đất 217m2 cho bạn, thì việc chuyển nhượng, tặng cho này phải đáp ứng các điều kiện và tuân theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định được nêu ở trên. Vì cô bạn tặng cho quyền sử dụng đất đối với một phần thửa đất 217m2 cho bạn, do đó việc tặng cho này vẫn cần phải thực hiện đo đạc, tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền trước khi nộp hồ sơ thực hiền quyền chuyển nhượng, tặng cho.

Việc chuyển nhượng,tặng cho nếu chỉ thông qua giấy viết tay thôi thì chưa có giá trị pháp lý; mà phải được lập thành hợp đồng, có công chứng tại tổ chức hành nghề công chức hoặc chứng thực tại UBND cấp xã và phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai. Việc tặng cho quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Trường hợp cố tình thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất mà không thực hiện đăng ký đất đai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có thể bị xử lý hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 theo điều 12 Nghị định 102/2014/NĐ-CP

Có thể bạn quan tâm

Mẫu đơn đề nghị tách thửa, hợp thửa mới nhất năm 2021

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay

Điều kiện mua bán đất tại Hà Nội theo quy định mới nhất 2021

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Chuyển nhượng, tặng cho qsdđ chỉ qua giấy viết tay có được không?”. Luật sư X là đơn vị Luật uy tín, chuyên nghiệp; được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin về dịch vụ pháp lý. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X.

Nếu còn thắc mắc hoặc muốn sử dụng các dịch vụ thành lập công ty của chúng tôi; hãy liên hệ với chúng tôi theo số hotline: 0833.102.102

Câu hỏi thường gặp

Mua bán đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất có phải là một?

Mua bán đất là cách nói thông dụng trên thực tế giao dịch đời sống thường ngày mà nhiều người dân đã quen gọi. Tuy nhiên hiểu về góc độ pháp lý, thì đất đai ở nước ta thuộc sở hữu chung của toàn dân, không thuộc sở hữu của riêng cá nhân, tổ chức nào; do đó không thể tồn tại khái niệm mua bán đất. Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai, trao quyền sử dụng đất (một trong 3 nội dung bên cạnh quyền chiếm hữu, quyền định đoạt hợp thành quyền sở hữu) cho người sử dụng đất để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này một cách có hiệu quả nhất. Do đó chỉ có quyền sử dụng đất là có thể thuộc sở hữu riêng của cá nhân, tổ chức và có thể được chuyển nhượng, đưa vào tham gia các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất tối thiểu được tách thửa có được quy định thống nhất trên cả nước không?

Diện tích đất tối thiểu được tách thửa do UBND cấp tỉnh mỗi địa phương quy định riêng, do đó có sự khác nhau giữa các địa phương, nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng khu vực

Thửa đất theo quy định pháp luật được định nghĩa thế nào?

Theo khoản 1, điều 3, Luật đất đai 2013 thì Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm