Hiện nay, nhu cầu sửa nhà là một nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình. Lý do là vì hình thức này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí hơn so với việc xây lại nguyên căn nhà. Thông thường, khi muốn sửa nhà, chủ sở hữu cần sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, đối với nhà đang xảy ra tranh chấp, liệu có được sửa chữa hay không? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X để được giải đáp.
Căn cứ:
-
Luật xây dựng 2014
-
Nghị định 139/2017/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Sửa nhà chủ sở hữu có cần xin giấy phép xây dựng?
Việc phải xin cấp phép khi xây dựng nhà trên đất là một việc làm hết sức cần thiết, điều này giúp xác định được việc xây dựng ngôi nhà này có phải hợp pháp hay không, xác định đượcnhững thông tin được ghi nhận trên các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận quyền sở nhà ở, xác định được công trình này có ảnh hưởng đến các công trình khác ở xung quanh không và điều quan trọng hơn là để tránh trường hợp các cơ quan chức năng sẽ tiến hành dỡ bỏ công trình nếu công trình nếu cố tình xây dựng công trình trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 89 Luật xây dựng 2014 thì chủ đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thì mới được khởi công xây dựng, trừ những trường hợp sau:
- Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
- Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
- Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
- Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
- Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
- Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
- Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
- Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
- Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
Theo đó, nếu bạn có nhu cầu sửa chữa nhà thì bạn cần phải xem xét mình có thuộc trường hợp phải xin giấy phép hay không, trừ các trường hợp kể trên thì khi thực hiện sửa nhà bạn phải cần phải có giấy phép xây dựng. Cụ thể, theo như trên thì nếu bạn có nhu cầu sửa chữa nhà nhưng không làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà thì bạn được miễn thủ tục xin giấy phép xây dựng. Ngoài ra, theo Khoản 5 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì nếu thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng nhưng chủ sở hữu thực hiện việc sửa chữa ngôi nhà mà không có giấy phép thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
2. Có được sửa chữa nhà đang tranh chấp không?
Như đã nói ở trên, thông thường chủ sở hữu muốn sửa chữa nhà thì cần phải có giấy phép xây dựng, và để được cơ quan có thẩm quyền cấp thì cần phải thỏa mãn các điều kiện luật định. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 93 Luật xây dựng 2014 như sau:
Điều 93. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ
1. Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị gồm:
a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;
b) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;
c) Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Luật này;
d) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật này.
2. Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Theo đó, điều kiện được cấp giấy phép xây dựng không đề cập đến vấn đề tranh chấp nhà hay không thì trên lý thuyết nhà đang tranh chấp vẫn có thể sửa chữa. Tuy nhiên, trên thực tế ngôi nhà đang có tranh chấp, chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì chưa có căn cứ để xác định chủ sở hữu ngôi nhà cho nên cơ quan có thẩm quyền sẽ chưa thể cấp giấy phép xây dựng cho gia đình bạn. Do đó, bạn khó có thể thực hiện việc sửa chữa ngôi nhà. Ngoài ra, trong trường hợp nếu tranh chấp ngôi nhà đã được ra Tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì nếu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với ngôi nhà cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp thì ngôi nhà sẽ không được sửa chữa cho đến khi Tòa án giải quyết xong vụ tranh chấp. Điều này được quy định cụ thể Điều 122 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
Điều 122. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
Hy vọng bài viết hữu ích với quý độc giả!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102