Hiện nay, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, nhiều người phụ nữ làm chủ được kinh tế của mình nên họ không muốn lấy chồng. Tuy nhiên, họ muốn sinh con theo phương pháp tiên tiến khoa học và họ đang thắc mắc không biết đứa con mình sinh ra có được đặt tên theo họ mẹ hay không. Vậy con có được đặt tên theo họ mẹ hay không? Bài viết dưới đây Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của bạn.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật hộ tịch năm 2014;
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch.
Nội dung tư vấn
Con có được đặt tên theo họ mẹ không?
Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về quyền có họ, tên như sau:
1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.
Các trường hợp đặt tên theo họ mẹ
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ; và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi; hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi; hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ; và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó; hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Theo quy định trên, khi một cá nhân sinh ra đã có quyền được có họ, tên. Họ tên này sẽ được xác định theo họ, tên khai sinh của cha mẹ đẻ. Theo khoản 2 Điều 26 Bộ luật dân sự thì con có quyền được đặt tên theo họ mẹ nếu cả cả cha mẹ đẻ đều thỏa thuận; hoặc theo tập quán nếu cha mẹ đẻ không có thỏa thuận; hoặc trong trường hợp không xác định được cha, người phụ nữ độc thân sinh con khi đi khai sinh thì đứa trẻ hoàn toàn có thể mang họ của mẹ được.
Các trường hợp con được đặt tên theo họ mẹ
Theo quy định của pháp luật thì có 3 trường hợp con được đặt tên theo họ mẹ. Cụ thể
Trường hợp 1: do cha mẹ thỏa thuận
Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử
1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;Theo quy định trên, trường hợp hai cha, mẹ thỏa thuận đứa con mang họ mẹ khi đi khai sinh thì họ của đứa con này sẽ theo họ mẹ.Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B sinh ra cháu X. Trước ngày đi đăng ký khai sinh, hai vợ chồng có thỏa thuận với nhau cháu X sẽ mang họ của mẹ là họ Trần. Trường hợp này chính là sự thỏa thuận của cha mẹ.
Trường hợp 2: Cha mẹ không có thỏa thuận
Trong trường hợp hai cha mẹ không thỏa thuận; hoặc không thỏa thuận được thì trường hợp này sẽ áp dụng tập quán nơi đứa trẻ sinh ra. Nếu tập quán đó quy định con phải mang họ theo họ cha thì đứa bé mang họ cha, còn quy định theo họ mẹ thì đưa trẻ mang theo họ mẹ.Hiện nay, hầu hết tập quán ở các vùng miền đều xác định họ cho con là theo họ cha, ít theo họ mẹ. Chính vì vậy, trường hợp này rất ít khi xảy ra.
Trường hợp 3: Không xác định được cha đẻ
Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.Theo quy định trên, những trường hợp vì lý do khác nhau mà chưa xác định được cha cho đứa trẻ là ai hoặc những người phụ nữ độc thân sinh con thì họ, tên của đứa trẻ đó sẽ được khai sinh theo họ, tên mẹ.
Trình tự, thủ tục khai sinh tên cho con theo họ mẹ
Bước 1
Người đi đăng ký khai sinh (cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích khác của trẻ hoặc cá nhân, tổ chức nhận nuôi dưỡng trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Bản chính Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu không có giấy chứng sinh thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
- Bản chính một trong các giấy tờ tùy thân: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
- Giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn).
- Sổ Hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ).
- Tờ khai đăng ký khai sinh ( mẫu sẵn).
Bước 2
Nộp và xuất trình các giấy tờ trên tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ. Lưu ý:
- Nếu người cha hoặc mẹ đăng ký thường trú ở một nơi nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định ở nơi khác thì UBND cấp xã, nơi đó cũng có quyền đăng ký khai sinh cho trẻ.
- Nếu cha, mẹ không có HKTT thì UBND cấp xã nơi cha, mẹ đăng ký tạm trú thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ.
- Nếu không xác định được nơi cư trú của cha, mẹ thì nộp tại UBND cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.
Bước 3
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh
- Sau khi nhận và kiểm tra các giấy tờ trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức Tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh. Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch
- Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
- Thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh: trong 1 ngày. Trường hợp cần xác minh, không quá 05 ngày làm việc. Thời gian nhận giấy khai sinh: từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần.
Thời hạn khai sinh
* Thời hạn phải khai sinh cho trẻ: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ phải đi khai sinh cho con. Nếu không thể đi được thì nhờ ông, bà hoặc người thân thích đi làm giùm. Quá thời hạn quy định thì bị phạt cảnh cáo.* Lệ phí khai sinh: miễn phí.
Lưu ý: Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ. Phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn!
Khuyến nghị!
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay