Hiện nay có rất nhiều khẩu hiệu, bảng biển được treo ở khắp mọi nơi để giới thiệu về vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn. Khẩu hiệu được sử dụng nhiều nhất là:
“Ở đâu có nhân dân lao động
Ở đó có tổ chức công đoàn”
Như vậy, ai ai cũng biết về tổ chức công đoàn nhưng liệu họ có biết công đoàn là tổ chức gì không? Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.
Căn cứ:
- Hiến pháp năm 2013;
- Bộ luật lao động năm 2012;
- Luật tổ chức công đoàn năm 2012
Nội dung tư vấn:
1. Công đoàn là tổ chức gì?
Theo Điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có quy định như sau:
Điều 10.
Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Căn cứ vào Điều 1 của Luật công đoàn năm 2012 cũng quy định về công đoàn như sau:
Điều 1. Công đoàn
Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo quy định trên, công đoàn chính là tổ chức xã hội mang tính tự nguyện, hình thành nên từ sự đồng lòng của những người lao động. Quyết định có hay không tham gia vào tổ chức công đoàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người lao động vì “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập hoạt động công đoàn” (điểm c, khoản 1, Điều 5 Bộ luật lao động năm 2012). Là tổ chức xã hội nên công đoàn bình đẳng với các tổ chức xã hội khác nhưng công đoàn cũng đồng thời là tổ chức chính trị nên có vị thế đặc biệt hơn so với nhiều tổ chức xã hội khác. Điều này được khẳng định rõ hơn trong Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VI: “Tổng liên đoàn lao động Việt Nma, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam là những đoàn thể chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và tầng lớp nhân dân do Đảng lãnh đạo, là người đại diện, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước và là trường học Chủ nghĩa xã hội đoàn viên, hội viên và là nòng cốt của phong trào cách mạng quần chúng.”
Như vậy, công đoàn chính là tổ chức chính trị – xã hội.
2. Cơ cấu tổ chức công đoàn
Theo Điều 7 Luật tổ chức công đoàn thì cơ cấu tổ chức công đoàn gồm:
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và công đoàn ngành trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn.
- Công đoàn cấp trên cơ sở;
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
3. Chức năng, quyền hạn của công đoàn
3.1. Chức năng của công đoàn
Chức năng của công đoàn gồm:
- Chức năng đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đây là chức năng cơ bản, trọng tâm hàng đầu của tổ chức công đoàn trong cơ chế thị trường hiện nay.
- Chức năng đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý kinh tế – xã hội, quản lý nhà nước. Chức năng này được biểu hiện ở việc công đoàn tham gia với Nhà nước xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội, cơ chế quản lý, chủ trương, chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.
- Chức năng tổ chức, giáo dục, vận động người lao động. Hiện nay, chức năng giáo dục của công đoàn có ý nghĩa rất quan trọng. Giáo dục của công đoàn là làm cho người lao động nhận thức được đầy đủ trách nhiệm công dân, nâng cao ý thức phấn đấu, bồi dưỡng kiến thức, năng lực nghề nghiệp, kiến thức pháp luật để từ đó củng cố kỷ luật lao động, xây dựng ý thức tự nguyện, tự giác trong lao động.
3.2. Quyền hạn của công đoàn
Theo pháp luật hiện hành, công đoàn có các quyền hạn sau:
- Quyền tham gia với cơ quan nhà nước và đại diện của người sử dụng lao động thảo luận các vấn đề về quan hệ lao động.
- Quyền tham gia kiểm tra, giám sát việc thi hành các quy định của pháp luật lao động.
- Quyền đại diện cho tập thể lao động đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.
- Quyền tham gia xây dựng nội quy (quy chế) lao động, xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất và chấm dứt hợp đồng lao động.
- Quyền đại diện và tham gia trong việc giải quyết xung đột, tranh chấp lao động và các cuộc đình công.
Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn!
Khuyến nghị
1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102