Chắc hẳn mọi người ai cũng đã nghe qua về phí công đoàn, thậm chí có nhiều người bị nộp phí công đoàn mà không biết đó chính xác là phí gì và có bắt buộc phải nộp không. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu liệu người lao động có bắt buộc phải đóng phí công đoàn không nhé:
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật lao động 2012
- Luật công đoàn 2012
Nội dung tư vấn
Phí công đoàn là gì?
Phí công đoàn có thể là kinh phí công đoàn hoặc đoàn phí công đoàn. Một điều hết sức lưu ý là cần phân biệt rõ hai loại phí này:
- Kinh phí công đoàn là khoản tiền do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
- Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
Vì vậy nếu người lao động phải đóng thì chỉ đóng Đoàn phí công đoàn theo điều lệ Công đoàn Việt Nam, còn kinh phí công đoàn là do người sử dụng lao động đóng.
Đối tượng phải đóng đoàn phí
Theo Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 có quy định cụ thể các đối tượng phải đóng phí công đoàn:
Điều 23. Đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí
Theo đó, nếu người lao động là đoàn viên thì sẽ phải đóng đoàn phí, nếu không phải là đoàn viên thì không cần phải đóng.
Người lao động có bắt buộc đóng đoàn phí?
Đầu tiên cần phải xác định: Người lao động có bắt buộc tham gia công đoàn? Tại Điều 189 BLLĐ 2012 có quy định:
“1. Người lao động làm việc trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật công đoàn.
2. Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở.
3. Khi công đoàn cơ sở được thành lập theo đúng quy định của Luật công đoàn thì người sử dụng lao động phải thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn cơ sở hoạt động.“
Trường hợp nghiêm cấm
Điều 190 BLLĐ quy định:
“1. Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
2. Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
3. Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn.
4. Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.“
Dựa vào quy định trên, có thể thấy việc tham gia công đoàn là quyền của người lao động, là hoàn toàn tự nguyện. Doanh nghiệp chỉ có thể khuyến khích người lao động tham gia công đoàn chứ không được ép buộc. Do đó, nếu người lao động lựa chọn tham gia công đoàn, có đơn xin gia nhập công đoàn và trở thành đoàn viên công đoàn thì bắt buộc phải nộp đoàn phí theo quy định.
Cụ thể là trích đóng đoàn phí công đoàn 1% tiền lương thấng đóng BHXH (bảo hiểm xã hội) của người lao động. Nếu không đóng liên tục 06 tháng mà không có lý do chính đáng sẽ bị kỷ luật. Trường hợp, nếu người lao động không tham gia công đoàn thì không có trách nhiệm phải nộp đoàn phí. Người sử dụng lao động không được phép tự trích lương của người lao động để nộp đoàn phí.
Vì vậy, việc nộp đoàn phí đối với người lao động không phải là bắt buộc; mà tùy theo sự lựa chọn của họ có tham gia công đoàn hay không.
Hy vọng bài viết hữu ích đối với bạn.
Khuyến Nghị!
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay