Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, những sản phẩm ra đời dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại không còn là điều hiếm gặp. Việc chế ảnh, ghép ảnh cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc chế ảnh để vui đùa, với việc chế ảnh khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm ngày càng trở nên mơ hồ, mong manh, khiến những chủ thể thực hiện hành động này đang ngày càng trượt dài trên chuỗi hành vi “đùa vui” không điểm dừng. Vậy, ghép ảnh chế người khác trên facebook bị xử lý thế nào?Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn.
Căn cứ:
- Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
- Nghị định 158/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi nghị định 28/2017/NĐ-CP.
- Luật An ninh mạng 2018
Nội dung tư vấn
1. Ghép ảnh chế người khác trên facebook có thể bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ nhất, Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của mình như sau:
Điều 32: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh.
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
So với quy định tại Điều 31 Bộ luật dân sự năm 2005, quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong Bộ luật dân sự năm 2015 có nhiều điểm mới, theo đó, nhà làm luật đã xây dựng cơ chế bảo vệ chặt chẽ hơn về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình, nghĩa là, khi sử dụng hình ảnh của một ai đó, yêu cầu phải có được sự chấp thuận của người có hình ảnh được sử dụng và phải trả thù lao nếu có phát sinh lợi nhuận.
Quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân, đây là yếu tố tinh thần gắn liền với mỗi cá nhân, hình ảnh của mỗi cá nhân bị xâm phạm không chỉ ảnh hưởng về mặt tinh thần mà còn ảnh hưởng đên danh dự, nhân phẩm…Vì vậy, việc pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ cho mỗi cá nhân quyền đối với hình ảnh đảm bảo quyền nhân thân, hạn chế một cách tối đa nhất hành vi xâm phạm.
Chỉ có hai trường hợp việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần phải xin phép, đó là:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, nếu sử dụng ảnh chưa được sự cho phép của người đó để chế, cắt ghép và đưa lên các trang mạng xã hội như facebook, chính là hành vi xâm phạm quyền của mỗi cá nhân đối với hình ảnh của họ.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Hiến pháp năm 2013, thì mọi người có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Cùng với đó, Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:
Điều 34: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ
Theo đó, nếu hành vi chế ảnh không chỉ dừng lại ở mức độ vui đùa, mà còn làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân người bị chế ảnh, thì bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Thứ ba, trường hợp chế ghép ảnh để xúc phạm nhân phẩm,danh dự người khác với mức độ nghiêm trọng thì hành vi đó đã vi phạm các trường hợp bị nghiêm cấm quy định tại Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018:
Điều 16. Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:
a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
2. Ghép ảnh chế người khác trên facebook có thể bị xử phạt hành chính.
Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo… đã đưa ra chế tài nhằm xử lý các hành vi chế ảnh mang tính tiêu cực như sau:
Điều 19: Vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c.Sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Với những công cụ chỉnh sửa, biên tập lại ảnh, không khó để cư dân mạng có thể tung lên Facebook những hình ảnh chế bôi nhọ người khác một cách vô tư, thoải mái dựa theo những sự kiện nóng xảy ra. Hầu như bất cứ sự kiện, nhân vật nổi bật nào cũng có thể trở thành mục tiêu của trào lưu ảnh chế: Từ một nhân vật trong phim ảnh, một trích đoạn phim, nhân vật hoạt hình, sự kiện văn hóa, thời sự xã hội…Tuy nhiên, vượt ra khỏi sự vui chơi, nhiều cá nhân đã đi quá đà, hoặc có những mục đích không hay. Những ảnh như thế tồn tại trên mạng rất nhiều.
Quy định về xử phạt hành chính với mức phạt tương đối thích đáng là 5-10 triệu đồng là một hồi chuông cảnh báo đối với các cá nhân đang thực hiện hành vi chế ảnh, ghép ảnh người khác một cách tiêu cực, thái quá, không dừng lại ở việc trêu đùa mà có chiều hướng của lợi việc lợi dụng hình ảnh, trục lợi, trả đũa,…
3. Ghép ảnh chế người khác trên facebook có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không chỉ vậy, nếu việc ghép ảnh chế người khác lên facebook có mức độ, tính chất vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm thuộc một trong những tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì cá nhân đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể chịu hình phạt tù, cụ thể là tội làm nhục người khác theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 , được sửa đổi bổ sung năm 2017:
Điều 155: Tội làm nhục người khác.
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cấu thành tội phạm của tôi làm nhục người khác như sau:
a. Mặt khách quan:
Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua các hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hành vi có thể bằng lời nói hoặc hành động với mục đích hướng đến là hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Thể hiện bằng lời nói: sỉ nhục, lăng mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu… nhằm vào nhân cách danh dự với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã trước người khác.
- Thể hiện bằng việc làm: có những hành vi bỉ ổi đối với người bị hại để bêu giễu, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người bị hại một cách nghiêm trọng, nặng nề.
Tội làm nhục người khác là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này. Nếu hành làm nhục người khác dẫn đến nạn nhận tự sát thì đó được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
b. Khách thể: Khách thể của tội này là quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người – một trong những quan hệ xã hội được Hiến pháp chú trọng quan tâm bảo vệ.
c. Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ hành vi của mình là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội.
d. Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Người từ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về hành vi này do không thuộc các trường hợp quy định tại Điểu 12 BLHS về các hành vi mà người ở độ tuổi này phải chịu trách nhiệm.
Theo đó, việc chế ghép ảnh trên facebook khiến người khác bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện sẽ bị xử lí hình sự theo 3 khung hình phạt như sau:
- Khung 1: Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Khung 2: Tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Khung 3: Tù 02 năm đến 05 năm.
- Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư giải quyết bị xúc phạm trên mạng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay