Căn cứ pháp lí
- Bộ Luật dân sự 2015
- Bộ Luật lao động 2012
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 88/2015/NĐ-CP
- Bộ Luật hình sự 2015
Nội dung tư vấn
1. Theo Bộ Luật dân sự 2015
Về mặt pháp lý, xét về bản chất hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ. Theo quy định tại Điều 513 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận của bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc là cộng tác viên và bên thuê dịch vụ là bên nhận cộng tác viên làm việc, đồng thời phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ này.
Về nội dung của hợp đồng, hợp đồng là sự thể hiện ý chí thỏa thuận của đôi bên. Tùy theo từng loại hợp đồng, thì có thể thỏa thuận những nội dung như sau
- Đối tượng của hợp đồng và công việc phải làm
- Số lượng, chất lượng
- Gía, phương thức thanh toán
- Thời hạn, địa điểm,cách thức thực hiện hợp đồng
- Quyền, nghĩa vụ của các bên
- Trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng
- Phạt vi phạm hợp đồng
- Các nội dung khác (nếu có)
Pháp luật về chấm dứt hợp đồng cộng tác viên:
Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho một trong hai bên thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ tuy nhiên phải đảm bảo theo đúng quy định trong nội dung hợp đồng. Việc đơn phương chấm dứt phải báo cho bên cung ứng dịch vụ hoặc bên thuê dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý. Bên thuê dịch vụ phải trả phần tiền công việc cho cộng tác viên và nếu bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc không làm đúng theo nội dung trong hợp đồng thì bên cung ứng dịch vụ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bồi thương thiệt hại và ngược lại.
Trong trường hợp vi phạm hợp đồng, thì bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu không sẽ bị xử lý theo hành chính, hình sự.
Như vậy, theo khía cạnh này, quyền lợi và nghĩa vụ là ngang nhau, không thiên về bên nào giữa cộng tác viên và bên cộng tác viên.
2. Theo Bộ Luật lao động 2012
Khác với Bộ Luật dân sự, thì hợp đồng lao động quy định trong Bộ Luật lao động được định nghĩa như sau: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Cụ thể, là những quy định: thời hạn của hợp đồng lao động, công việc tính chất làm công ăn lương, người lao động chịu sự ràng buộc bới các quy định, quy chế trong công ty (tuân thủ thời gian làm việc trong một ngày, một tuần,…) quy định về ngày lễ, nghỉ tết, thời hạn trả lương, phụ cấp lương,… Do đó, nếu hợp đồng cộng tác viên đảm bảo những nội dung như trong một hợp đồng lao động thì hợp đồng cộng tác viên được xem như hợp đồng lao động, tức là các bên xác lập mối quan hệ lao động chứ không còn là cung ứng dịch vụ nữa.
Về nội dung hợp đồng lao động, phải đảm bảo những nội dung sau:
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ cư trú, CMND hoặc giấy tờ hợp pháp của người lao động
- Công việc và địa điểm làm việc
- Thời hạn của hợp đồng lao động
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp khác, chế độ nâng bậc
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
- Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
- Trang bị bảo hộ cho người lao động
- Chế độ đào tạo, bồi dưỡng người lao động
Về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người lao động thì phải đảm bảo đầy đủ nội dung như theo Luật lao động quy định cụ thể về được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN và người lao động được hưởng chế độ thai sản, nghỉ hưu, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định. Và những chính sách ưu tiên cho lao động nữ cũng phải được đảm bảo, thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân,….
Về chế tài đối với người lao động và người sử dụng lao động:
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần phải có lí do cụ thể để chấm dứt hợp đồng lao động,và khi chấm dứt hợp đồng cần phải báo trước cho người sử dụng lao động. Thời gian báo trước được quy định cụ thể tại Điều 37 Luật lao động 2012:
Điều 37: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
…
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Trong trường hợp hai bên cùng thỏa thuận được thì không phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại.
Nếu người sử dụng lao động vi phạm thì có thể xử lý bằng hình thức phạt tiền hay buộc khắc phục hậu quả cụ thể về không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với công việc có thời hạn trên 03 tháng hoặc giao kết không đúng loại hợp đồng lao động, không trả lương đúng thời hạn, không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho người lao động, trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng,…quy định chi tiết Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Nghị định 88/2015/NĐ-CP. Ngoài ra có thể bị xử lý hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 về vấn đề buộc người lao động thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, quy định vi phạm về an toàn lao động gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe,….
Như vậy, theo khía cạnh này thì pháp luật thiên về bảo vệ quyền lời cho cộng tác viên hơn người thuê cộng tác viên. Quyền lợi cộng tác viên được xem như người lao động.
Việc xác định hợp đồng cộng tác viên có phải là hợp đồng lao động không vẫn còn nhiều quan điểm. Vì thế, cho nên, khi ký kết một hợp đồng, cộng tác viên nên hỏi ý kiến kỹ từ cơ quan công ty để tránh những vấn đề tiền lương, vấn đề BHXH. Trên đây là những vấn đề có thể giúp cho cộng tác viên có được những quyền lợi cần thiết cho chính bản thân
Xin trân trọng cảm ơn!