Quảng cáo bằng tin nhắn hay email là cách để các công ty có thể đưa hàng hóa, dịch vụ của mình đến với khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên nếu quảng cáo không đúng chừng mực và mức độ thì khách hàng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yêu cầu công ty bồi thường hoặc khởi kiện công ty quảng cáo. Vậy mức phạt với việc làm phiền bằng tin nhắn sẽ như thế? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X!
Căn cứ:
- Luật thương mại 2005
- Luật quảng cáo 2012
- Nghị định 158/2013/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
1. Quảng cáo là quyền của thương nhân trong hoạt động kinh doanh.
Quảng cáo là hoạt động không thể thiếu trong kinh doanh. Không phải vì thừa tiền mà các công ty, các nhãn hàng lại phải chi hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng để chạy quảng cáo (Ads) trên Youtube hay Facebook. Chắc các bạn còn nhớ suất quảng cáo được nhà đài VTV chào bán để được quảng cáo trên VTV6 những trận có đội tuyển Việt Nam tham gia lên đến 350 triệu đồng trong chỉ 30s ngắn ngủi. Thậm chí nếu Việt Nam vào đến chung kết thì mức giá này tăng lên 800 triệu đồng. Vì sao họ lại bỏ ra số tiền lớn như vậy để được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông? Câu trả lời là để giới thiệu hàng hoá, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng, từ đó nâng cao doanh thu và lợi nhuận cho cá nhân, doanh nghiệp họ.
Điều 103. Quyền quảng cáo thương mại
1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.
Vậy thì quảng cáo là gì?
Khoản 1 Điều 2 Luật quảng cáo 2012 quy định:
1. Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
Từ khái niệm này chúng ta cần lưu ý việc quảng cáo có thể là vì mục đích sinh lợi hoặc không vì mục đích sinh lợi.
Thứ hai, việc quảng cáo sẽ không được xuất hiện trong tin thời sự. Nếu để ý các chương trình thời sự lúc 19h hằng ngày thì khi hai MC nói câu “Nội dung vừa rồi đã kết thúc chương trình thời sự tối nay của đài truyền hình Việt Nam. Chúng tôi cảm ơn quý vị đã dành thời gian theo dõi và xin kính chào tạm biệt”. Khi ấy thì chương trình quảng cáo mới xuất hiện, chứ tuyệt nhiên khi đưa tin thì không hề có bất kì quảng cáo nào.
Tuy luật cho phép các cá nhân, tổ chức có quyền quảng cáo hàng hoá, dịch vụ của mình nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ được quảng cáo một cách tuỳ tiện.
Xin lấy ví dụ là trường hợp quảng cáo qua tin nhắn SMS.
Khoản 1 Điều 24 Luật quảng cáo 2012 quy định:
1. Quảng cáo bằng hình thức gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo:
a) Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận;
b) Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá ba tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận;
c) Tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo và không được thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối của người nhận.
Do đó nếu trường hợp nhà cung cấp dịch vụ gởi tin nhắn thuộc vào các trường hợp như khi chưa có sự đồng ý trước của người nhận; gửi tin nhắn sau 22h hôm trước đến trước 7h hôm sau; gởi > 03 tin nhắn đến một SĐT trong vòng 24h; người dùng không có tuỳ chọn từ chối quảng cáo hay nếu từ chối lại bị tốn phí.. thì đó là hành vi vi phạm pháp luật
2. Xử phạt
Về mức xử phạt: Các hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo. Cụ thể:
Điều 56. Vi phạm quy định về quảng cáo trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Gửi thư điện tử, tin nhắn nhằm cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ khi chưa được sự đồng ý của người nhận.
b) Quảng cáo bằng tin nhắn, thư điện tử quảng cáo không được sự đồng ý trước đó của người nhận;
c) Gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo mà phần thông tin cho phép người nhận từ chối không đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định, không đảm bảo cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo;
d) Gửi thư điện tử, tin nhắn quảng cáo không đầy đủ thông tin về người gửi hoặc thông tin về nhà cung cấp dịch vụ gửi theo quy định;
đ) Không chấm dứt ngay việc gởi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo khi người nhận thông báo từ chối quảng cáo;
e) Thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối quảng cáo của người nhận
Trường hợp vi phạm về thời gian và số lần gửi tin nhắn quảng cáo thì nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông sẽ bị xử phạt theo Khoản 2 Điều này
2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo của nhà cung cấp thông tin dịch vụ điện tử, viễn thông sau đây:
a) Gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại sau 22 giờ đến trước 7 giờ sáng hôm sau;
b) Gửi quá ba tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại hoặc quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thoả thuận khác với người nhận
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Công ty quảng cáo buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 56.
Do đó có thể nhận thấy mức phạt có thể thay đổi tuỳ thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm. Phạt là một chuyện, còn cái quan trọng hơn là việc gởi tin nhắn rác liên tục và nhiều lần (chúng ta thường gọi là spam) sẽ khiến người dùng cảm thấy khó chịu khi sử dụng dịch vụ. Thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cần phải siết chặt quản lý nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân. Còn về phía nhà cung cấp dịch vụ nên ra soát lại và chọn lọc nội dụng để nâng cao trả nghiệm người dùng. Từ đó đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay