Đất đai là nguồn tài nguyên có vai trò rất quan trọng nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất là một nhiệm vụ hàng đầu của nhà nước. Cấp GCNQSDĐ thể hiện hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một loại tài sản đặc biệt của người dân. Đây là hoạt động vừa mang tính pháp lý; vừa mang tính nghiệp vụ, kỹ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy mục đích, ý nghĩa của hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?
Tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.
Cơ sở pháp lý
Khái niệm
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?
Khoản 16 điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mục đích và ý nghĩa rất quan trọng quan trọng. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi phần dưới đây.
Mục đích của hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Xác lập căn cứ pháp lý sử dụng đất hợp pháp
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm xác lập căn cứ pháp lý đầy đủ để nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của người sở hữu nhà cũng như thực hiện các chức năng quản lý của mình đối với đất đai, nhà ở.
Nói cách khác, cấp giấy chứng nhận là một bảo đảm quan trọng của nhà nước cho người sử dụng đất; đảm bảo về các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; các quyền khi chuyển quyền sử dụng đất và bảo vệ các quyền lợi khi có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Là cơ sở pháp lý xác nhận việc trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở pháp lý xác nhận việc trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; mà quyết định trao quyền là một hình thức thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Nhà nước. Đồng thời, cấp GCNQSDĐ còn nhằm mục đích bảo vệ chế độ sở hữu toàn dân.
Trên cơ sở đăng ký đất đai và cấp GCNQSDĐ, nhà nước kiểm soát được tình hình sử dụng đất (chủ thể nào sử dụng, thời hạn bao lâu, mục đích sử dụng là gì,…đối với từng thửa đất). Từ sự kiểm soát này, nhà nước có thể bảo đảm không để đất đai lãng phí mà sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả; đồng thời định kỳ thu đủ nghĩa vụ tài chính từ người sử dụng.
Hoạt động này không chỉ nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của nhà nước trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân; mà còn nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đất đai trong giai đoạn hiện nay.
Thiết lập hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ địa chính phục vụ lâu dài cho công tác quản lý nhà nước về đất đai
Hoạt động này nhằm thiết lập hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ địa chính; từ đó phục vụ lâu dài cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Thực chất, hoạt động này là thủ tục hành chính nhằm thiết lập một hệ thống hồ sơ địa chính đầy đủ, chặt chẽ giữa nhà nước và đối tượng sử dụng đất; là cơ sở để nhà nước quản lý, nắm chặt toàn bộ diện tích đất đai và người sử dụng; quản lý đất đúng mục đích, đúng pháp luật. Thông qua việc cấp giấy chứng nhận, nhà nước có thể hoàn thiện chế độ quản lý về đất đai để sử dụng đất một cách hợp lý, tiết kiệm; hiệu quả, khoa học.
Góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản, trong đó có thị trường về quyền sử dụng đất, thị trường nhà ở; thúc đẩy nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đất đai là hàng hóa đặc biệt. Vì vậy, khi tham gia vào các giao dịch trên thị trường nó phải có đầy đủ các “giấy tờ pháp lý” thì mới giảm thiểm được rủi ro cho các bên. Đồng thời, các giao dịch về đất đai được đặt dưới sự quản lý và giám sát của nhà nước, được nhà nước bảo hộ tài sản hợp pháp và thỏa thuận trên giao dịch dân sự về đất đai; tạo tiền đề hình thành thị trường bất động sản công khai, lành mạnh, tránh thao túng hay đầu cơ trái phép bất động sản.
Nói cách khác, phải minh bạch hóa thị trường bất động sản vì vai trò của thị trường này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; cũng như góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; ngăn ngừa và phòng chống những hiện tượng tiêu cực trong tiếp cận và sử dụng thông tin về bất động sản.
Ý nghĩa của hoạt động cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đối với nhà nước
Cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất góp phần đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước đối với các loại tài sản này. Do đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhưng lại được sử dụng, khai thác bởi nhiều chủ thể khác nhau nên nhà nước cần phải quản lý, kiểm soát việc sử dụng, khai thác cũng như định đoạt tài sản này. Bên cạnh đất đai thì nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất là những tài sản có giá trị lớn và có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.
Thông qua hoạt động cấp GCNQSDĐ, nhà nước có thể:
- Xác nhận hiện trạng Bất động sản cũng như những biến động liên quan;
- Chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS của các chủ thể;
- Tạo điều kiện để nhà nước có những chính sách trong xây dựng, quy hoạch; phát triển những tài sản này, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, cũng không thể không đề cập đến một nguồn thu khá lớn được đem lại cho ngân sách nhà nước từ việc người sử dụng đất thực hiện các nghĩa vụ tài chính để được cấp GCN như thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất và lệ phí địa chính…
Đối với người sử dụng đất
Dưới góc độ quyền lợi của người sử dụng đất thì hoạt động cấp Giấy chứng nhận là việc cấp một loại chứng thư pháp lý xác nhận mối quan hệ hợp pháp giữa nhà nước và người sử dụng đất. Đây sẽ là cơ sở để nhà nước bảo vệ quyền lợi cho họ, đặc biệt là khi xảy ra các tranh chấp đất đai.
Có GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cũng là điều kiện để người sử dụng đất được hưởng đầy đủ các quyền năng mà pháp luật ghi nhận; đặc biệt là các quyền năng về chuyển quyền sử dụng đất. Một trong các nguyên tắc, điều kiện để thực hiện các quyền năng đó là người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận. Vì vậy, một mảnh đất không có giấy chứng nhận sẽ gần như là một mảnh đất “không có giá trị”, bởi lẽ nó sẽ hoàn toàn không thể được giao dịch trên thị trường. Và quan trọng hơn, đối với người sử dụng đất và sở hữu nhà ở, khi có giấy chứng nhận thì họ sẽ hoàn toàn yên tâm trong việc sử dụng đất; gắn bó và đầu tư lâu dài trên đất.
Liên hệ Luật sư X
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Mục đích, ý nghĩa của hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất“. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.