Người giúp việc có được hưởng thừa kế hay không?

bởi Luật Sư X
Người giúp việc có được hưởng thừa kế hay không?

Thừa kế là việc chuyển giao tài sản, quyền lợi và nghĩa vụ từ một cá nhân đã chết sang một cá nhân hay tổ chức nào đó. Người được hưởng thừa kế đa phần là người trong gia đình, người cùng huyết thống, người có quan hệ nuôi dưỡng như con nuôi hoặc bố mẹ nuôi. Người giúp việc cũng được xem là một người thân thiết trong gia đình nếu làm việc lâu năm và đôi khi có công chăm sóc rất lớn đối với người để lại di sản. Vậy người giúp việc có được hưởng thừa kế hay không?

Căn cứ pháp lý:

Nội dung tư vấn

Căn cứ theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật… Có nghĩa là một cá nhân được quyền hưởng thừa kế nếu có tên trong di chúc hoặc được pháp luật cho phép. Như vậy người giúp việc chỉ được hưởng thừa kế nếu được người lập di chúc ghi nhận việc để lại một phần tài sản cho người giúp việc trong di chúc.

1. Trường hợp thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế do người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc trong các trường hợp khác theo khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015.

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật bao gồm những người sau đây:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Có thể thấy, pháp luật quy định chỉ có những người có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ hôn nhân nói chung là người thân thì mới được thừa kế theo pháp luật. Vì người giúp việc chỉ là người lao động của gia đình và không thuộc những hàng thừa kế được liệt kê ở trên thì không được thừa kế.

Ví dụ: Bà A là người giúp việc cho bà C trong vòng 5 năm. Bà C mất trong một vụ tai nạn nên không để lại di chúc. Theo pháp luật hiện hành, vì bà C không còn bất kỳ người thân nào nên tài sản bà C để lại sẽ thuộc trường hợp di sản không có người thừa kế và tài sản thuộc về Nhà nước Cho dù bà A đã giúp việc lâu năm và có quan hệ thân thiết với bà C nhưng cũng không có quyền hưởng thừa kế.

2. Trường hợp thừa kế theo di chúc

Theo định nghĩa tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vì vậy người lập di chúc có các quyền như chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế… Do đó nếu người lập di chúc quyết định để lại tài sản cho người giúp việc và ghi tên người giúp việc vào trong di chúc thì người giúp việc hoàn toàn có quyền hưởng thừa kế. Mặt khác, nếu không có tên trong di chúc thì người giúp việc hoàn toàn không có quyền hưởng thừa kế.

Ví dụ:

  • Ông A để lại di sản bao gồm 1 căn nhà và 5 cây vàng. Ông A lập di chúc chia đều tài sản của mình cho vợ và các con. Bên cạnh đó ông A còn để lại 1 cây vàng cho người giúp việc lâu năm trong nhà là bà B. Trong trường hợp này, sau khi ông A mất thì bà A sẽ được hưởng thừa kế với giá trị tài sản là 1 cây vàng.
  • Ông C để lại di sản bao gồm 1 mảnh đất và 1 căn nhà. Ông lập di chúc chia đều tài sản cho bố mẹ và vợ con của ông C. Bà B là người giúp việc trong nhà nhưng không có tên trong di chúc. Vì vậy trong trường hợp này bà B không có quyền hưởng thừa kế sau khi ông A mất.

Đối với trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì người giúp việc cũng không thuộc đối tượng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Vì căn cứ theo khoản 1 Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 thì những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
  • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Vậy tóm lại, trong trường hợp thừa kế theo pháp luật, thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc và không có tên trong di chúc thì người giúp việc không có quyền hưởng thừa kế. Người giúp việc chỉ được hưởng thừa kế trong trường hợp được người lập di chúc để lại tài sản thông qua việc ghi nhận nội dung đó trong di chúc.

 

Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!

Thông tin liên hệ với Luật sư X

Luật sư X là đơn vị Luật uy tín; chuyên nghiệp, được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin. Được hỗ trợ và đồng hành giải quyết khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của Luật Sư X hãy liên hệ

Hotline: 0833.102.102.

Câu hỏi liên quan

Con nuôi có được hưởng thừa kế không?

Con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên sẽ được chia. Tuy nhiên, con nuôi phải được pháp nhận công nhận bằng văn bản tại cơ quan có thẩm quyền. Còn trường hợp người chết để lại di chúc có chia cho con nuôi thì con nuôi được chia theo di chúc.

Cháu ngoại có được phân chia di sản thừa kế sổ tiết kiệm ngân hàng không?

Theo quy định, người nằm trong hàng thừa kế sau chỉ được hưởng di sản khi không có người nằm trong hàng thừa kế thứ nhất được hưởng di sản. Trong đó, cháu ngoại thuộc hàng thừa kế thứ hai. Do đó, nếu không còn hàng thừa kế thứ nhất thì cháu ngoại sẽ được hưởng theo diện thừa kế theo pháp luật. Nếu có di chúc và được chia thì cháu ngoại sẽ được chia.

Con ngoài giá thú có được hưởng thừa kế của bố, hoặc mẹ không ?

Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Do đó, con ngoài giá thú vẫn được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Trường hợp có để lại di trúc thì di sản thừa kế được định đoạt theo di trúc. Trường hợp di trúc chỉ định đoạt 1 phần thì phần còn lại chia theo pháp luật

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm