Thừa kế với tư cách là một quan hệ pháp luật dân sự mà trong đó các chủ thể có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong mối quan hệ này, người có tài sản, trước khi mất có quyền quyết định và định đoạt tài sản của mình cho người khác. Những người có quyền nhận di sản có thể nhận hoặc không nhận di sản (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Người nhận di sản được chuyển giao quyền sở hữu (bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) đối với phần di sản đó. Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề trên. Luật sư X mời Quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây có liên quan đến: “Quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu“.
Căn cứ pháp lý
Quyền thừa kế được pháp luật quy định như thế nào?
Về quyền thừa kế của người để lại di sản
Theo Bộ luật dân sự 2015 thì mọi cá nhân đều có quyền định đoạt tài sản của mình thể hiện dưới dạng di chúc trước khi qua đời. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội…đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
– Trường hợp có di chúc của người chết để lại thì việc phân chia di sản phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc.
– Trường hợp người chết không có di chúc để lại thì việc phân chia di sản sẽ tuân theo quy định của pháp luật về thừa kế tại Bộ luật dân sự 2015.
Về quyền thừa kế của người nhận di sản
Mọi cá nhân đều có quyền nhận di sản trong trường hợp thuộc diện nhận di sản theo pháp luật hoặc theo di chúc. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
– Trường hợp người nhận di sản theo di chúc thì căn cứ vào quyền thừa kế của họ, họ sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo đúng những điều khoản trong di chúc. Người được thừa kế theo di chúc có thể là bất kỳ ai theo ý chí của người lập di chúc.
Lưu ý: Người được thừa kế theo di chúc không được là người làm chứng cho di chúc hoặc công chứng, chứng thực di chúc.
– Trường hợp người nhận di sản theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào hàng thừa kế để xác định phần di sản mà họ sẽ nhận được. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Các quyền cơ bản của quyền sở hữu
Quyền chiếm hữu
Điều 186 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 186. Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu
Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Theo quy định của pháp luật dân sự thì chủ sở hữu tài sản được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để có thể năm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Điều này có thể được hiểu theo một cách đơn giản và thông thường nhất là sự nắm giữ, quản lý cũng như là chi phối đối với một hay nhiều tài sản. Quyền chiếm hữu sẽ có hai loại đó là: Chiếm hữu ngay tình (chiếm hữu có căn cứ pháp luật) và chiếm hữu không ngay tình (chiếm hữu không có căn cứ pháp luật).
– Thứ nhất, đối với hình thức chiếm hữu ngay tình bao gồm các căn cứ đó là: Chủ sở hữu trực tiếp thực hiện việc chiếm hữu tài sản của mình; hay chủ sở hữu ủy quyền cho người khác thực hiện quản lý tài sản trong phạm vi được ủy quyền; hay quyền chiếm hữu được thực hiện thông qua các giao dịch dân sự đảm bảo phù hợp với ý chí của chủ sở hữu (người đang chiếm hữu hợp pháp thì sẽ chỉ được sử dụng hoặc chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản cho người khác nếu trong trường hợp mà được bên phía chủ sở hữu đồng ý); người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản mà xác định là tài sản trong trường hợp bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định; người phát hiện và thực hiện việc giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện theo quy định của pháp luật và các trường hợp khác do pháp luật quy định.
– Thứ hai, đối với trường hợp chiếm hữu không ngay tình thì đây được xem là một hình thức chiếm hữu không dựa trên bất kỳ một căn cứ luật định nào. Người chiếm hữu biết hoặc pháp luật buộc họ phải biết là mình đang chiếm hữu không có căn cứ hợp pháp nhưng vẫn thực hiện hành vi chiếm hữu, hoặc tuy về chủ quan họ không biết về việc này nhưng pháp luật buộc họ phải biết. Những trường hợp đòi hỏi người chiếm hữu biết hoặc phải biết về việc chiếm hữu của mình đang thực hiện là hành vi không ngay tình thường liên quan đến các loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu như bất động sản, động sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu.
Quyền sử dụng.
Điều 189 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
“Điều 189. Quyền sử dụng
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định của pháp luật dân sự thì quyền sử dụng là quyền quyền trong việc khai thác công dụng, cũng như hưởng các hoa lợi, lợi tức của tài sản. Có thể hiểu một cách đơn giản, quyền sử dụng của chủ sở hữu tài sản là việc khai thác cũng như việc hưởng lợi ích từ khối tài sản khai thác được trong phạm vi pháp luật cho phép. Về nguyên tắc, chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Quyền định đoạt
Quyền định đoạt là một trong các quyền năng của chủ sở hữu để quyết định số phận của tài sản. Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền định đoạt là quyền thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữ, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
Chủ sở hữu tài sản thực hiện quyền định đoạt của mình trên hai phương diện: Thứ nhất, định đoạt về số phận thực tế của tài sản như tiêu dùng hết, hủy bỏ hoặc từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản; thứ hai, định đoạt về số phận pháp lý của tài sản là việc làm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản từ người này sang người khác.
Thông thường, định đoạt số phận pháp lý đối với tài sản phải thông qua các giao dịch phù hợp với ý chí của chủ sở hữu như bán, trao đổi, tặng cho, thừa kế… thông qua việc định đoạt mà chủ sở hữu có thể tiêu dùng hết; chuyển quyền chiếm hữu tạm thời (trong hợp đồng gửi giữ); quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian (trong hợp đồng cho thuê, cho mượn) hoặc chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác bằng hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho…
Việc một người thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản sẽ làm chấm dứt hoặc thay đổi các quan hệ pháp luật liên quan đến tài sản đó. Ví dụ, tiêu dùng hết tài sản sẽ làm chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản đó; khi bán tài sản sẽ làm chấm dứt quyền sở hữu của người bán đối với tài sản nhưng lại làm phát sinh quyền sở hữu về tài sản đối với người mua.
Trong hai hình thức định đoạt tài sản trên cho thấy: Việc định đoạt số phận thực tế của tài sản thì chủ sở hữu chỉ cần bằng hành vi của mình tác động trực tiếp lên tài sản, nhưng việc định đoạt số phận pháp lý của tài sản thì chủ sở hữu phải thiết lập với một chủ thể khác một quan hệ pháp luật dân sự. Đối với hình thức định đoạt số phận pháp lý của tài sản, Bộ luật Dân sự quy định: Người định đoạt tài sản phải là người có năng lực hành vi dân sự – nghĩa là người đó phải có đầy đủ tư cách chủ thể. Trong những trường hợp tài sản ít giá trị, việc thực hiện quyền định đoạt có thể bằng phương thức đơn giản như thỏa thuận miệng, chuyển giao ngay… nhưng trong những trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục thì phải tuân theo những quy định đó (Điều 193 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ sở hữu khi định đoạt tài sản, Bộ luật Dân sự đã quy định việc ủy quyền định đoạt. Chủ sở hữu có thể ủy quyền cho người khác định đoạt tài sản, người được ủy quyền phải thực hiện việc định đoạt theo phương pháp, cách thức phù hợp với ý chí và lợi ích của chủ sở hữu.
Mối quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu
Quyền sở hữu hiểu theo nghĩa khách quan là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước quy định nhằm điểu chỉnh những quan hệ về sở hữu đối với các lợi ích vật chất trong xã hội. Những quy phạm pháp luật đó xác nhận, quy định và bảo vệ quyền sở hữu của các sở hữu chủ trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình. Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành quy định các điều kiện, trinh tự dịch chuyển những tài sản của người đã chết cho những người còn sống. Công dân có quyền để lại thừa kế những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác.
Quyền thừa kế có quan hệ chặt chẽ với quyền sở hữu, hình thức sở hữu quyết định việc thừa kế trong xã hội, vì vậy quyền thừa kế mang bản chất giai cấp sâu sắc.
Thừa kế là sự kế quyền tổng hợp của những người sống đối với quyền, nghĩa vụ của người đã khuất. Việc kế quyền toàn bộ hay một bộ phận quyền, nghĩa vụ do người chết để lại còn phụ thuộc vào các quy định của pháp luật và ý chí của người để lại di sản, người hưởng di sản. Quyền thừa kế trong điều kiện của nước ta hiện nay được thể hiện như một phương tiện để củng cố sở hữu của công dân, củng cố quan hệ hôn nhân và gia đình; bảo vệ lợi ích của những người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Pháp luật của Nhà nước ta bảo vệ những lợi ích cơ bản của mỗi người lao động trên cơ sở bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chung của toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, làm cho nhân dân lao động yên tâm lao động sản xuất tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.
Mời bạn xem thêm
- Sổ đỏ bị mất có xin cấp lại được không?
- Hợp đồng đặt cọc nhà đất có cần công chứng
- Mẫu đơn xin cấp lại sổ đỏ bị mất theo quy định mới 2023
- Thủ tục chuyển hộ khẩu thường trú năm 2023
Thông tin liên hệ
Vấn đề về: “Quan hệ giữa quyền thừa kế và quyền sở hữu” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Luật sư X luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý liên quan như là đổi tên mẹ trong giấy khai sinh, vui lòng liên hệ đến hotline 0833102102 Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
Câu hỏi thường gặp
Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu người để lại di sản không có di chúc, tài sản của người đó sẽ được chia theo pháp luật.
Khi không có di chúc, hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; (Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 ).
Theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015, người con chưa thành niên không có khả năng lao động ấy vẫn được hưởng phần di sản mà ba mình để lại sau khi ông mất mà không cần phải có tên trong di chúc của ông và mức hưởng phần di sản của người chưa thành niên bằng 2/3 mức hưởng của một người thừa kế.
Theo quy định về người thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người chung sống với nhau như vợ chồng sẽ không được hưởng thừa kế di sản, trừ trường hợp di chúc để lại tài sản cho người kia. Tuy nhiên, con chung có quyền được hưởng di sản từ cha mẹ mình.