Sinh con thứ ba có bị phạt hay không?

bởi NguyenTriet

Trước đây, pháp luật có những quy định khắt khe về vấn đề sinh con thứ ba, đắc biệt là đối với công chức, viên chức. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, các quy định trên đã được “nới lỏng” trong một chừng mực nhất định. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này,mời các bạn đọc bài viết dưới đây.

Căn cứ:

  • Nghị định 114/2006/NĐ-CP
  • Nghị định 176/2013/NĐ-CP
  • Quyết định 1531/QĐ-BTC 
  • Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW

Nội dung tư vấn

1. Công chức, viên chức, khi sinh con thứ 3 sẽ chỉ bị kỷ luật nhắc nhở 

Những năm trước đây, để đảm bảo kế hoạch hóa gia đình, Nhà nước khuyến khích mỗi hộ gia đình chỉ nên có từ 1-2 con. Nếu không thuộc các trường hợp được phép sinh con thứ ba thì có thể sẽ bị sử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 3/10/2006:

Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.

Tuy nhiên, từ ngày 31/12/2013 Nghị định này đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013. Theo nghị định mới, việc xử phạt đối với những trường hợp công chức, viên chức vi phạm nguyên tắc “mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một hoặc hai con”  đã không còn được đề cập tới.

Do pháp luật chưa có quy định cụ thể để xử lý viên chức vi phạm chính sách dân số nên hiện nay một số bộ, ngành đã ban hành thông tư, quyết định; Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, trong đó có hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sinh con thứ ba trở lên. Điển hình là quyết định 1531/QĐ-BTC có quy định như sau 

Điều 5. Quy định về hình thức kỷ luật 

1. Hình thức kỷ luật “Khiển trách”: áp dụng đối với các công chức, viên chức sinh con thứ 3.

2. Hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ 4.

3. Hình thức kỷ luật “Cách chức”: áp dụng đối với công chức, viên chức lãnh đạo sinh con thứ 4.

4. Hình thức kỷ luật “Buộc thôi việc”: áp dụng đối với công chức, viên chức sinh con thứ năm trở lên.

Công chức, viên chức vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, ngoài việc xem xét, xử lý kỷ luật tương ứng với các hình thức kỷ luật nêu trên, trong thời gian thi hành Quyết định kỷ luật, không xem xét, giới thiệu quy hoạch, không đề cử, đề bạt, điều động, luân chuyển theo quy định.

Nhìn chung, pháp luật chỉ quy định hình phạt kỷ luật khiển trách đối với công chức, viên chức sinh con thứ ba. Điều này đã có phần giảm nhẹ hơn so với hinh phạt xử lý hành chính như trước. Bên cạnh đó, vẫn có một số trường hợp công chức, viên chức được phép sinh con thứ ba mà không bị kỷ luật. 

2. Các trường hợp sinh con thứ 3 không bị xử lý kỷ luật

Theo Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW về thực hiện một số Điều trong Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, những trường hợp sau đây khi sinh con thứ 3 sẽ không bị xem là vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình:

Điều 27. Vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình

Trường hợp không vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, gồm:

– Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

– Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

– Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

– Cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

– Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

* Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì thôi không xem xét, xử lý kỷ luật.

Như vậy, do sự phát triển của xã hội, pháp luật Việt Nam hiện đã không còn quá khắt khe trong việc xử lý kỷ luật đối vói các trường hợp sinh con thứ ba. Tuy nhiên để tránh tình trạng bùng nổ dân số dẫn đến những hậu quả như nạn thất nghiệp, tệ nạn xã hội gia tăng,… mỗi hộ gia đình chỉ nên có từ 1-2 con để phù hợp theo quy định của pháp lệnh dân số.

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm