Tại sao lại là 200k?

bởi Luật Sư X
tại sao

Gần đây, dư luận đang xôn xao về vụ “200k cho một lần sàm sỡ trong thang máy” là không thỏa đáng. Việc xử phạt này là không sai, vì người ta đã xử đúng “luật” rồi đấy. Vậy, vì sao mức phạt này lại là 200k? 

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

Vừa qua, dư luận đang xôn xao về 1 đoạn clip tại tại thang máy khu chung cư Gold Palm, Người đàn ông tên Đỗ Mạnh Hùng và 1 cô gái trẻ ở cùng 1 thang máy. Cửa thang vừa đóng lại thì người đàn ông dồn cô gái vào góc thang máy và có hành động cưỡng hôn, sàm sỡ nhưng bị cô gái chống trả quyết liệt. Sự việc chỉ dừng lại khi thang máy mở cửa tại nơi ở của cô gái, cô gái vội vàng thoát khỏi người đàn ông.

Vụ việc càng gây chấn động dư luận hơn nữa khi mức phạt cho “yêu râu xanh” này là 200 ngàn đồng. Vậy, xử phạt như vậy có đúng quy định?

1. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Dù dư luận có bức xúc hay bị lên án như thế nào đi nữa, thì pháp luật sinh ra là để áp dụng. Đỗ Mạnh Hùng đã có hành vi vi phạm hành chính khi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”, quy định điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Như vậy, đã là vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền phải tuân thủ mọi quy tắc về xử phạt hành chính. Cụ thể được quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

Cần lưu ý một điều cho quy định trên đó là, mức xử phạt hành chính sẽ được căn cứ và tính chất mức độ cũng như là các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ !

2. Tại sao mức phạt là 200.000 đồng?

Lúc thang máy đóng lại, Đỗ Mạnh Hùng đã dồn cô gái vào góc thang máy và có hành động cưỡng hôn nhưng bị chống trả quyết liệt. Hành động này đã có dấu hiệu của hành vi cử chỉ thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo và xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của cô gái theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Điều 5: Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xác phạm danh dự, nhân phẩm của người khác

….

Như vậy, khung tiền phạt cho hành vi Đỗ Mạnh Hùng là từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Quyết định xử phạt 200.000 đồng cho Đỗ Mạnh Hùng xuất phát từ nguyên tắc phạt tiền được quy định cụ thể trong Khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012: 

4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Số tiền phạt 200.000 đồng cho hành vi vi phạm của Đỗ Mạnh Hùng chính là mức trung bình của khung hình phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc quyết định mức phạt cụ thể của hành vi vi phạm cũng được căn cứ dựa trên tính chất hành vi và tình tiết tăng nặng giảm nhẹ.

Làm việc với cơ quan công an, bước đầu, Đỗ Mạnh Hùng đã thừa nhận hành vi sàm sỡ nữ sinh trên, mong muốn gặp mặt trực tiếp bị hại để xin lỗi. Hành động này theo quy định của pháp luật là một tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

  • Người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại
  • Người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính
  • Người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình

Như vậy, nếu người  có hành vi vi phạm hành chính có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Điều này có nghĩa là, phạt 200.000 đồng đối với Đỗ Mạnh Hùng đôi lúc còn “quá tay” đấy nhé. Người ta có tình tiết giảm nhẹ mà!

Đây cũng là nguyên tắc áp dụng với các hình thức xử phạt hành chính về kinh tế, giao thông … Hãy lưu ý nhé!

Hy vọng bài viết có ích với bạn !

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm