Thỏa ước lao động tập thể là gì?

bởi Hoàng Hà

Hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều thuật ngữ trong luật lao động như nội quy lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Vậy thỏa ước lao động tập thể là gì và có nội dung như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về thỏa ước lao động tập thể.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn

1. Khái niệm thỏa ước lao động tập thể

Căn cứ theo khoản 1 Điều 73 Bộ luật lao động 2012 thì thỏa ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân A có tổ chức một buổi thương lượng tập thể về các điều kiện lao động với tập thể nhân viên trong doanh nghiệp bao gồm giờ giấc làm việc, chế tài khi vi phạm nội quy doanh nghiệp… Sau buổi thương lượng, X là chủ doanh nghiệp và đại diện tập thể nhân viên trong doanh nghiệp cùng nhau ký kết một văn bản ghi nhận tất cả các điều kiện đã thương lượng trong buổi hợp nói trên. Văn bản này chính là thỏa ước lao động tập thể.

Thỏa ước lao động tập thể thường có 2 loại phổ biến là thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp và thỏa ước lao động tập thể.

2. Nội dung thỏa ước lao động tập thể

Căn cứ theo khoản 1 Điều 73, Điều 70 Bộ luật lao động 2012 thì nội dung chủ yếu của thỏa ước lao động tập thể bao gồm:

  • Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương.
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca.
  • Bảo đảm việc làm đối với người lao động.
  • Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động.
  • Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

Ngoài ra, nội dung thoả ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.

Ví dụ: Pháp luật lao động hiện nay quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Thỏa ước lao động có thể giảm thời giờ làm việc xuống còn 44 giờ trong 01 tuần để có lợi hơn cho người lao động.

3. Ký kết thỏa ước lao động tập thể

a. Chủ thể ký kết

Căn cứ theo khoản 1 Điều 74 Bộ luật lao động 2012 thì thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động. Nghĩa là một bên trong thỏa ước lao động sẽ là đại diện tập thể lao động, bên còn lại sẽ là người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động.

b. Điều kiện ký kết

Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi đạt được các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 74 Bộ luật lao động 2012

Điều kiện đối ký kết với hình thức thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp:

  • Các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể. 
  • Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được.

Điều kiện đối ký kết với hình thức thỏa ước lao động tập thể ngành:

  • Các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể.
  • Có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được.

Điều 74. Ký kết thỏa ước lao động tập thể

1. Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động.

2. Thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và:

a) Có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp;

b) Có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể ngành;

c) Đối với hình thức thỏa ước lao động tập thể khác theo quy định của Chính phủ.

3. Khi thoả ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết.

c. Thủ tục sau khi ký kết

Sau khi thỏa ước lao động được ký kết, người sử dụng lao động phải thực hiện các việc sau:

  • Công bố thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết cho mọi người lao động của mình biết.
  • Gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến:
    • Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.
    • Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể khác.

 

4. Thời hạn thỏa ước lao động tập thể

Theo Điều 85 Bộ luật lao động 2012, đối với  thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thời hạn của thỏa ước là từ 01 năm đến 03 năm. Trong trường hợp doanh nghiệp lần đầu tiên ký kết thỏa ước thì có thể ký kết thỏa ước với thời hạn dưới 01 năm.

Ví dụ: Công ty X lần đầu ký kết thỏa ước lao động tập thể nên thỏa ước lao động tập thể lần đầu tiên của công ty có thời hạn là 08 tháng sau khi đạt được thỏa thuận của các bên.

Theo Điều 89 Bộ luật lao động 2012, đối với thỏa ước lao động tập thể ngành thì thời hạn của thỏa ước là từ 01 năm đến 03 năm.

Trong thời hạn 03 tháng trước ngày thoả ước lao động tập thể hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thoả ước lao động tập thể hoặc ký kết thoả ước lao động tập thể mới.

 

5. Hiệu lực thỏa ước lao động tập thể

a. Ngày có hiệu lực

Căn cứ theo Điều 76 Bộ luật lao động 2012, thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực theo ngày được ghi trong thỏa ước. Trong trường hợp các bên không ghi ngày có hiệu lực trong thỏa ước thì thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực kể từ ngày ký kết.

Ví dụ:

  • Ngày 16/03/2018, thỏa ước lao động tập thể của công ty A được ký kết và trong thỏa ước  ghi nhận ngày có hiệu lực của thỏa ước là 18/03/2018. Vậy đến ngày 18/03/2018 tức 2 ngày sau khi ký kết thỏa ước sẽ có hiệu lực.
  • Ngày 15/03/2018, thỏa ước lao động tập thể của công ty B được ký kết. Các bên không thương lượng về ngày có hiệu lực của thỏa ước nên thỏa ước sẽ có hiệu lực vào kể từ ngày 15/03/2018.

b. Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

Căn cứ theo khoản 1 Điều  78 Bộ luật lao động 2012 thì thoả ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thoả ước trái pháp luật.

Ví dụ: Số giờ làm việc trong 01 ngày ở công ty A là 08 giờ, thỏa ước lao động tập thể của công ty quy định số giờ làm thêm trong 01 ngày là 5 tiếng. Trong khi đó, pháp luật quy định tổng số giờ làm thêm của người lao động bình thường không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày. Như vậy thỏa ước lao động tập thể của công ty A đã bị vô hiệu một phần do có một nội dung trái pháp luật.

Căn cứ theo khoản 2 Điều  78 Bộ luật lao động 2012 thì thoả ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có toàn bộ nội dung trái pháp luật;
  • Người ký kết không đúng thẩm quyền;
  • Việc ký kết không đúng quy trình thương lượng tập thể.

Ví dụ: Thỏa ước lao động tập thể của công ty X được ký kết giữa đại diện tập thể người lao động là công đoàn và giám đốc tài chính Z của công ty. Trong trường hợp này, giám đốc tài chính của công ty không phải là người sử dụng lao động cũng như đại diện người sử dụng lao động do đó thỏa ước lao động tập thể của công ty X vô hiệu toàn bộ vì người ký kết không đúng thẩm quyền.

    

Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ doanh nghiệp tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm