Thời gian nghỉ giải lao của người lao động là bao lâu?

bởi
Thời gian nghỉ giải lao của người lao động là bao lâu?

Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực ngày 01/01/2021 có sự thay đổi về thời gian người lao động được nghỉ giải lao. Vậy người lao động được nghỉ giải lao bao lâu? Thời gian nghỉ giải lao có được tính vào thời giờ làm việc để được hưởng nguyên lương hay không? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật lao động 2019;
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP của chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
  • Nghị định 28/2020/NĐ-CP của chính phủ ngày 01 tháng 3 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nội dung tư vấn:

1.Thời gian nghỉ giải lao của người lao động là bao lâu?

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc của người lao động được quy định tại Điều 109 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:

  • Thứ nhất, Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường (Điều 105) từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Trường hợp này thời gian nghỉ giữa giờ sẽ không được tính vào thời gian làm việc.
  • Thứ hai, người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
  • Thứ ba, ngoài thời gian nghỉ giữa giờ như trên người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc của lao động nữ trong thời gian hành kinh và lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được quy định tại Điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 và Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

– Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định tại điểm a khoản này thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

– Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

Trường hợp lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;

Thời gian nghỉ giải lao đối với người làm công việc có tính chất đặc biệt quy định tại Điều 116 Bộ luật lao động năm 2019:

Đối với các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; làm việc trên biển; trong lĩnh vực nghệ thuật; sử dụng kỹ thuật bức xạ và hạt nhân; ứng dụng kỹ thuật sóng cao tần; tin học, công nghệ tin học; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; thiết kế công nghiệp; công việc của thợ lặn; công việc trong hầm lò; công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng; công việc phải thường trực 24/24 giờ; các công việc có tính chất đặc biệt khác do Chính phủ quy định thì các Bộ, ngành quản lý quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi sau khi thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phải tuân thủ quy định tại Điều 109 của Bộ luật này.

2.Doanh nghiệp không đảm bảo thời gian nghỉ giải lao cho người lao động bị xử phạt thế nào?

Doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính nếu vi phạm thời gian nghỉ trong thời làm việc cho người lao động theo Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

– Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng: Không đảm bảo về thời gian nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca cho người lao động;

– Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng: Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định;

– Nếu sử dụng người lao động làm thêm giờ quá số giờ quy định, tùy thuộc vào số người lao động bị vi phạm mà doanh nghiệp sẽ bị phạt theo các mức khác nhau:

  • Từ 05 – 10 triệu đồng: Vi phạm 01 – 10 lao động;
  • Từ 10 – 20 triệu đồng: Vi phạm 11 – 50 lao động;
  • Từ 20 – 40 triệu đồng: Vi phạm 51 – 100 lao động;
  • Từ 20 – 40 triệu đồng: Vi phạm 51 – 100 lao động;
  • Từ 40 – 60 triệu đồng: Vi phạm 101 – 300 lao động;
  • Từ 60 – 70 triệu đồng: Vi phạm 301 lao động trở lên.

Bài viết trên đây của Luật sư X đã giải đáp thắc mắc về thời gian nghỉ giải lao giữa ca của người lao động cũng như mức xử phạt đối với doanh nghiệp không bảo đảm thời gian này cho người lao động. Luật sư X rất mong bài viết này giúp ích cho bạn!

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm