Trước khi khởi công xây dựng các công trình nói chung và công trình nhà ở riêng lẻ nói riêng, ngoại trừ 11 trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 cần phải xin giấy phép xây dựng trước khi khởi công. Bài viết này của LSX giúp mọi người về biết thành phần hồ sơ và trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng sử dụng cho công trình nhà ở riêng lẻ đơn giản và nhanh chóng.
Căn cứ pháp lý
- Luật Xây dựng 2014;
- Thông tư 15/2016/TT-BXD Hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng;
Nội dung tư vấn
1. Những trường hợp không phải xin giấy phép xây dưng
Căn cứ Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014, các công trình sau được miễn cấp giấy phép xây dựng bao gồm:
a) Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
b) Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
c) Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
d) Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
đ) Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
e) Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
2. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ:
Căn cứ quy định nêu trên có thể thấy rằng nhà ở riêng lẻ không thuộc trường hợp được miễn cấp giấy phép xây dựng. Tại điều 93 Luật Xây dựng 2014 quy định điều kiện chung để được cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ gồm những điều kiện sau đây:
a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;
b) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử – văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;
c) Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định pháp luật
d) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định
3. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng với nhà ở riêng lẻ
Thành phần hồ sơ xin giấy phép xây dựng:
Để thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng thì quý khách cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ theo quy định pháp luật, cụ thể:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
- Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Bản vẽ thiết kế xây dựng;
- Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
Trình tự thủ tục xin giấy phép xây dựng
Bước 1: Nộp hồ sơ
- Nơi nộp: UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi có nhà ở riêng lẻ dự kiến được xây dựng.
- Cách thức nộp: Chủ đầu tư gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến UBND cấp huyện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và thụ lý giải quyết
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ thì UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của công dân, kiểm tra thành phần và cấp giấy biên nhận (giấy hẹn) trả kết quả. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định thì cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn hoàn thiện đầy đủ.
Bước 3. Trả kết quả
UBND cấp huyện trao cho công dân Giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế trình xin cấp giấy phép xây dựng có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Công dân có nghĩa vụ triển khai dự án theo đúng giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành
Liên hệ Luật sư X để được sử dụng dịch vụ xin cấp giấy phép xây dựng khi có nhu cầu: 0833.102.102
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc.