Thư và Vũ (Về nhà đi con) có thể bị phạt đến 20 triệu cho hành vi ký hợp đồng hôn nhân!

bởi NguyenTriet
Có lẽ dạo gần đây, cặp vợ chồng Vũ – Thư đang đảo lộn mạng xã hội bởi 1 cuộc hôn nhân hợp đồng trị giá 3 tỷ. Đó là trên phim, vậy thực tế, hợp đồng hôn nhân có hợp pháp hay không? Có bị xử phạt gì hay không? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Căn cứ:

Nội dung tư vấn:

1. Hợp đồng hôn nhân là gì? 

Hiểu theo nghĩa rộng, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 385 của Bộ Luật dân sự 2015. 

Điều 385. Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Còn đối với Hợp đồng hôn nhân trước hết phải hiểu nó là một loại hợp đồng thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên khi việc kết hôn được thực hiện. Lúc này, quan hệ hôn nhân được thiết lập và được điều chỉnh bởi Luật hôn nhân và gia đình bao gồm các quan hệ: kết hôn; ly hôn; quyền nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng,…

Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có thỏa thuận về vấn đề chia tài sản chung trước, trong và sau hôn nhân mới được quy định, còn về một bản hợp đồng như Thư và Vũ thì pháp luật không có quy định cụ thể. 

2. Ký hợp đồng hôn nhân là hành vi trái pháp luật.

Kết hôn là hành vi pháp lý được pháp luật công nhận khi các chủ thể đủ điều kiện theo luật định về độ tuổi, sức khỏe, tính tự nguyện. Pháp luật Việt Nam chỉ quan hệ hôn nhân hợp pháp khi vợ chồng thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, không phải cứ thích là được kết hôn. Căn cứ theo Điều 8 luật hôn nhân và gia đình 2014 thì các đối tượng sau được đăng ký kết hôn: 

  • Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên: Độ tuổi này là độ tuổi mà cả hai bên đã có đầy đủ nhận thức và một số những điều kiện khác như kinh tế, khả năng lao động,…để duy trì một cuộc hôn nhân
  • Việc kết hôn do hai bên tự nguyện quyết định: Kết hôn là quyền của công dân, việc kết hôn phải được thực hiện dựa trên sự tự nguyện mà không bị ép buộc, đe dọa hay cản trở kết hôn.
  • Hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự: Khả năng tự mình nhận thức và chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
  • Không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn như: Kết hôn giả tạo; tảo hôn; cưỡng ép kết hôn; đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác, kết hôn trong phạm vi 3 đời, …

Cụ thể hóa từ Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình như sau: 

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định; c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự; d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. ……

Bên cạnh việc đáp ứng được các điều kiện trên, thì việc kết hôn cũng bị cấm vì các mục đích trái pháp luật chẳng hạn như để Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, nước ngoài,…Bởi đây là dấu hiệu của hành vi kết hôn giả tạo bị cấm tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình: 

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

Như vậy, việc ký kết một hợp đồng hôn nhân với mục đích “đối phó” với bố mẹ hai bên và gói trọn 3 tỷ của Thư là hành vi kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Và cũng là hành vi kết hôn giả tạo bị pháp luật cấm. 

Việc thỏa thuận trong hôn nhân tại Việt Nam hiện nay chỉ được công nhận với việc thỏa thuận về chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể thì: Tài sản chung là tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Nếu không có thỏa thuận nào khác thì tài sản chung sẽ được dùng cho việc thực hiện nghĩa vụ của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, pháp luật cho phép hai bên có quyền thỏa thuận chia phần tài sản chung này thành tài sản riêng của các bên. Cụ thể được quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân và Gia đình 2014: 

Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

3. Thư và Vũ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng!

Với phân tích ở trên thì rõ ràng hành vi ký hợp đồng vì 3 tỷ của Thư và Vũ là hành vi trái pháp luật. Căn cứ vào Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt cho hành vi lợi dụng việc kết hôn để thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng. Cụ thể: 

Điều 28. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký kết hôn và môi giới kết hôn

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài;

b) Lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác.

Việc kết hôn giả tạo sẽ không được pháp luật công nhận là một cuộc hôn nhân hợp pháp mà còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Như vậy, thật là rủi ro nếu như thực hiện việc kết hôn mà mục đích của nó chỉ vì tiền. Đôi lúc, chúng ta có thể mất cả tiền lẫn tình vì một bản hợp đồng. Hãy nhìn Thư rồi biết !

Hy vọng bài viết có ích cho bạn!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ dịch vụ ly hôn nhanh Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm