Gần đây, sau vụ ly hôn chia tài sản của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên với trị giá hàng nghìn tỷ đồng đang được dư luận bàn tán xôn xao. Nhiều người thắc mắc liệu hợp đồng hôn nhân có hiệu lực ở Việt Nam hay không và có nên có hay không hợp đồng trước hôn nhân?
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
Nội dung tư vấn
1. Hợp đồng hôn nhân là gì?
Hợp đồng hôn nhân hay hợp đồng tiền hôn nhân là loại hợp đồng được công nhận rộng rãi và có hiệu lực pháp luật ở phương Tây. Cụ thể, trước hôn nhân, các cặp nam nữ trước khi kết hôn sẽ có các thỏa thuận các vấn đề pháp lí như phân định tài sản chung và tài sản riêng trước, quyền nuôi con, phân chia tài sản nếu một trong hai bên chấm dứt hợp đồng hoặc ly hôn. Nó thể hiện sự minh bạch trong tài sản giữa vợ và chồng, dễ dàng xử lí khi phát sinh mâu thuẫn.
Nói cách khác, ở một số quốc gia thì hợp đồng hôn nhân cũng được coi là hợp đồng dân sự thông thường nhằm mục đích ràng buộc nghĩa vụ và quyền lợi phát sinh khi kết hôn (Donald Trump cũng ký hợp đồng hôn nhân và từ đó bảo vệ được khối tài sản sau 2 lần ly hôn).
2. Pháp luật Việt Nam không công nhận hợp đồng hôn nhân?
Có một điều rất thú vị đó là pháp luật Việt Nam không có quy định về “Hợp đồng hôn nhân” trong pháp luật hình sự. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có những quy định rất cụ thể về điều kiện kết hôn Tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Những điều cấm trong luật hôn nhân được Quy định tại Điều 5 Luật này, đó là:
Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Có thể suy luận ra rằng, nếu công nhận hợp đồng hôn nhân tại Việt Nam thì rất dễ xảy ra tình trạng kết hôn mà không thật sự phát sinh tình cảm, kết hôn lúc này nhiều khi là sự giả tạo, lựa dối, sự cưỡng ép và lợi dụng. Do đó, nếu có hợp đồng hôn nhân thì sẽ không được chấp nhận vì vi phạm sự tự nguyện khi kết hôn (Điểm c khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014).
Hôn nhân là phải phát sinh từ tình cảm và nếu có tồn tại hợp đồng hôn nhân thì theo văn hóa Á Đông đó sẽ là thiên hướng của sự tính toán, vật chất – Nhưng đôi khi sự rõ ràng cần phải có. Vì vậy pháp luật Việt Nam cũng có tạo dựng một “hợp đồng hôn nhân” để áp dụng một cách nhân văn trong mọi trường hợp khi có tranh chấp.
Về nguyên tắc chia tài sản được quy định tại Điều 33, 43 (Về tài sản chung, tài sản riêng) và Điều 38, 59 (Về nguyên tắc chia tài sản) của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể như sau:
Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Có thể thấy rằng, không phải cứ ly hôn là tài sản sẽ được chia đôi mà khi chia tài sản phải dựa trên 4 nguyên tắc tại Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, để có căn cứ thì phải chứng minh. Rất ít người lại giữ hóa đơn mua bán, rồi văn bản ghi nhận công sức đóng góp … sau khi kết hôn cả. Điều này rất nhạy cảm theo văn hóa á đông và là điểm yếu khi tranh chấp tài sản.
Về nguyên tắc con cái sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể như sau:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Khi ly hôn, bố mẹ sẽ chia tách về mặt tình cảm, tài sản nhưng luôn phải có nghĩa vụ đối với con cái. Đây là một quy định nhân văn và thể hiện trách nhiệm của những ông bố bà mẹ đối với “giọt máu đào” của mình. Nếu có hợp đồng hôn nhân, liệu hai bên có giao kết về việc chối bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc hay không cũng là điều cần phải suy ngẫm.
Dựa trên vụ ly hôn “Trung Nguyên” thì có thể thấy rằng sự tranh chấp của cha mẹ phát sinh chủ yếu từ chế độ tài sản. Khi tình cảm không còn thì vật chất là thứ lên ngôi. Vậy liệu có phương án nào rạch ròi về tài sản hay không? Tất nhiên là có, như đã nói việc phân chia tài sản dựa theo 4 nguyên tắc chính (Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình). Vậy nếu là một người rạch ròi về tài sản và công sức đóng góp, trong quá trình sinh sống thì các bác có thể lưu lại những hóa đơn chứng từ, giấy tờ chứng minh sự đóng góp trong khối tài sản, thậm chí là hợp đồng giữa vợ và chồng để công nhận tài sản thuộc về ai.
Ví dụ: Khi mua một chiếc xe ô tô bằng tiền của chồng, người chồng có thể soạn hợp đồng cùng vợ ký (thậm chí công chứng hoặc lập vi bằng) để xác nhận rằng sau này chiếc xe sẽ được coi là tài sản riêng của chồng và vợ không có quyền tranh chấp khi ly hôn. Góp vốn để đăng ký kinh doanh cũng thế …
Tất nhiên, điều này sẽ hơi phiền và mất tình cảm. Tuy nhiên, nó bền và chắc!
Mong bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102