Tổng hợp các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ hiện nay

bởi Nguyễn Tài

Trong thời đại công nghệ số, hoạt động chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là đối với những nước đang trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa như Việt Nam. Vậy, chuyển giao công nghệ là gì? Có mấy loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ? Đối tượng của chuyển giao công nghệ là gì? Để giải đáp thắc mắc, hãy cùng Luật sư X tìm hiểu bài viết “Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ” dưới đây. 

Chuyển giao công nghệ được hiểu là gì?

Chuyển giao công nghệ là một khái niệm kinh tế khá quen thuộc hiện nay. Hiểu một cách nôm na, chuyển giao công nghệ là việc bên sở hữu công nghệ chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng một phần công nghệ. 

Trong lĩnh vực pháp lý, Khoản 7 Điều 2 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về khái niệm chuyển giao công nghệ như sau: “Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ.”

Trong đó, công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Hiện nay, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định các loại công nghệ bao gồm: 

Công nghệ tiên tiến là công nghệ có trình độ công nghệ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có tại Việt Nam, đã được ứng dụng trong thực tiễn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội và thân thiện với môi trường.

– Công nghệ mới là công nghệ lần đầu tiên được tạo ra hoặc ứng dụng tại Việt Nam hoặc trên thế giới, có trình độ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có tại Việt Nam, thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng trong thực tiễn và khả năng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

– Công nghệ sạch là công nghệ phát thải ở mức thấp chất gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng ít tài nguyên không tái tạo hơn so với công nghệ hiện có.

– Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Tổng hợp các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ hiện nay

Dịch vụ chuyển giao công nghệ là hoạt động của cá nhân, tổ chức về việc tư vấn, hỗ trợ giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ. 

Theo quy định tại Điều 45 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, hiện nay pháp luật nước ta công nhận 06 loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ, bao gồm: 

– Môi giới chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ tìm kiếm đối tác để thực hiện chuyển giao công nghệ.

– Tư vấn chuyển giao công nghệ là hoạt động hỗ trợ lựa chọn, ứng dụng công nghệ; khai thác thông tin công nghệ, thông tin sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đàm phán, ký kết và thực hiện chuyển giao công nghệ.

– Đánh giá công nghệ là hoạt động xác định trình độ, hiệu quả kinh tế, tác động của công nghệ đến môi trường, kinh tế – xã hội.

– Thẩm định giá công nghệ là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá công nghệ xác định giá trị bằng tiền của công nghệ phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá.

– Giám định công nghệ là hoạt động xác định các chỉ tiêu của công nghệ đạt được trong quá trình ứng dụng so với các chỉ tiêu đã được các bên thỏa thuận.

– Xúc tiến chuyển giao công nghệ là hoạt động thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ; cung ứng dịch vụ quảng cáo, trưng bày, giới thiệu công nghệ; tổ chức chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ, điểm kết nối cung cầu công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ.

Tổng hợp các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ hiện nay

Đối tượng của chuyển giao công nghệ

Theo quy định, việc chuyển giao công nghệ được thể hiện qua các hợp đồng có nội dung chuyển giao công nghệ. Do đó, đối tượng của chuyển giao công nghệ là đối tượng của hợp đồng chuyển giao công nghệ. 

Khoản 1 Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về đối tượng chuyển giao công nghệ bao gồm: 

“a) Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;

b) Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;

c) Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;

d) Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này.”

Ngoài ra, trong trường hợp đối tượng công nghệ nêu trên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Hình thức của hợp đồng chuyển giao công nghệ

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là phương tiện ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao công nghệ. Hợp đồng chuyển giao công nghệ là loại hợp đồng đặc thù trong lĩnh vực công nghệ, sở hữu trí tuệ. Do đó, để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng, việc giao kết hợp đồng cần tuân thủ các quy định pháp luật về hình thức của hợp đồng chuyển giao công nghệ. 

Khoản 1 Điều 22 Luật Chuyển giao công nghệ 2017 quy định về hình thức của hợp đồng chuyển giao công nghệ như sau: 

“Việc giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc hình thức khác được coi là giao dịch bằng văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Văn bản hợp đồng phải được các bên ký, đóng dấu (nếu có); ký, đóng dấu giáp lai (nếu có) vào các trang của hợp đồng, phụ lục hợp đồng.”

Đồng thời, Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức giao dịch được coi là giao dịch bằng văn bản như sau: “[…] Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản […]”

Như vậy, hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản hoặc được thể hiện thông qua các phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định. Ví dụ như: hợp đồng điện tử, chứng thư điện tử, …

Mời bạn xem thêm:

Trên đây là quan điểm của LSX về nội dung “Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ”, bạn đọc có thể tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình.

Một số câu hỏi thường gặp:

Có bắt buộc phải đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không?

Căn cứ Điều 31 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, hợp đồng chuyển giao công nghệ và phần chuyển giao công nghệ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 thuộc một trong những trường hợp sau đây phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, trừ công nghệ hạn chế chuyển giao đã được cấp Giấy phép chuyển giao công nghệ:
– Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam;
– Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài;
– Chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước hoặc ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Như vậy, chỉ những loại hợp đồng chuyển giao công nghệ nêu trên mới bắt buộc phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ không thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Những phương thức chuyển giao công nghệ hiện nay?

Theo Điều 6 Luật Chuyển giao công nghệ 2017, có 06 phương thức chuyển giao công nghệ, bao gồm: 
– Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
– Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
– Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
– Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 kèm theo các phương thức khác theo quy.
– Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm