Với sự điều chỉnh pháp luật hiện nay, Nhà nước được phép thu hồi đất trong 04 trường hợp. Khi Nhà nước tiến hành thu hồi phải theo trình tự, thủ tục đã được quy định. Trình tự, thủ tục tiến hành thu hồi đất thế nào là đúng? Phòng tư vấn pháp lý của Luật sư X xin thông tin tới bạn đọc.
Căn cứ pháp lý
Nội dung tư vấn
Hiện nay, do điều kiện tiếp cận pháp luật cũng như trình độ hiểu biết pháp luật còn thấp; nhiều người sử dụng đất không nhận biết được sai phạm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện thủ tục thu hồi; nên không bào vệ được quyền, lợi ích của bản thân
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trình tự, thủ tục thu hồi trải qua 05 bước như sau:
Bước 1: Thông báo về việc thu hồi đất
(Điều 67 và điểm a – khoản 1- điều 69 Luật đất đai 2013)
Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp; và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp; cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi.
Thông báo thu hồi đất bao gồm những nội dung theo quy định tại Điều 17 – Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; cụ thể:
- Lý do;
- Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có; hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi ;
- Kế hoạch điều tra, khảo sát. đo đạc, kiểm đếm;
- Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư;
- Giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền tiến hành các công việc dưới đây:
- Gửi thông báo đến từng người sử dụng đất có đất thu hồi;
- Họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi;
- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có thu hồi.
Bước 2: kiểm kê tài sản có trên đất trước khi thu hồi
(Điểm b, c, d – khoản 1 – điều 69 Luật đất đai 2013)
Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi đất tiến hành điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm theo kế hoạch thu hồi đất.
Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp điều tra, đo đạc, kiểm đếm thì tổ chức vận động, thuyết phục trong vòng 10 ngày. Nếu quá 10 ngày vẫn không phối hợp, Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định kiểm đếm bắt buộc. Nếu tiếp tục không phối hợp, Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc theo quy định tại Điều 70 – Luật đất đai 2013.
Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc như sau:
- Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế;
- Trường hợp người bị cưỡng chế chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành và thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế.
Bước 3: Lập và thẩm định phương án bồi thường
(Khoản 2 – điều 69 – Luật đất đai 2013 và Điều 28 – Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập phương án bồi thường, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức họp trực tiếp với dân để lấy ý kiến bồi thường và niêm yết công khai.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổng hợp ý kiến, tổ chức đối thoại trực tiếp với những người có ý kiến không đồng tình để hoàn chỉnh phương án bồi thường và tái định cư.
Bước 4: Ra quyết định
(Khoản 3 – điều 69 – Luật đất đai 2013)
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm qyền ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm yết công khái quyết định, gửi đến từng người sử dụng đất có đất thu hồi, nội dung phải ghi rõ: mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thời gian giao đất, chi trả bồi thường.
Trường hơp người sử dụng đất có đất bị thu hồi không chịu bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức vận động, thuyết phục. Nếu vẫn không chấp hành, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và thực hiện việc cưỡng chế theo Điều 71 – Luật đất đai 2013.
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;
- Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
- Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế
- Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
- Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Bước 5: Tổ chức chi trả bồi thường khi thu hồi đất
(Điều 93 – Luật đất đai 2013 và Điều 30 – Nghị định số 47/2014/NĐ-CP)
Trong 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực; cơ quan tổ chức có nhiệm vụ bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất .
Nếu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường; hỗ trợ, người có đất thu hồi ngoài khoản tiền bồi thường; hỗ trợ theo phương án bồi thường; hỗ trợ, tái định cư còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
Nếu người có đất thu hồi không nhận tiền bồi thường; hỗ trợ theo phương án bồi thường; hỗ trợ; tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tiền bồi thường; hỗ trợ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.
Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước; thu hồi mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; về đất đai đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính vào số tiền được bồi thường để hoàn trả ngân sách nhà nước.
Để tránh việc quyền và lợi ích của bản thân và những người thân quanh mình không được đảm bảo; người sử dụng đất có đất bị thu hồi có thể đối chiếu cách thức thực hiện; thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền với bài viết trên.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho người dân bị thu hồi đất:
– Chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp.
– Chậm nhất 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp.
Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết thu hồi đất:
– Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật.
– Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Việc thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh dựa trên các căn cứ sau:
– Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất phục vụ mục đích quốc phòng , an ninh.
Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án.