Viên chức bị khởi tố có được đi làm không?

bởi Nguyễn Tài
Viên chức bị khởi tố có được đi làm không?

Xin chào LSX, tôi có vấn đề như sau mong được luật sư giúp đỡ: Bạn của tôi làm giảng viên – viên chức của một trường Đại học tại Đà Nẵng. khoảng hơn một tuần trước, bạn tôi có lái xe ô tô gây tai nạn giao thông làm một người bị chết và một người bị thương. Hiện nay, bạn tôi đã bị cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự theo Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự và vẫn đang được tại ngoại. Vậy, bạn của tôi có được tiếp tục đi làm? Viên chức bị khởi tố có được đi làm không? Tôi chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của LSX. Đối với vấn đề “Viên chức bị khởi tố có được đi làm không?”, chúng tôi tư vấn như sau: 

Căn cứ pháp lý

  • Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng Hình sự 2021
  • Văn bản hợp nhất Luật Viên chức 2019
  • Nghị định 112/2020/NĐ-CP

Khởi tố là gì? Căn cứ khởi tố theo quy định pháp luật?

Khởi tố bao gồm khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can. Trong đó, khởi tố vụ án hình sự là bước đầu xác định hành vi có dấu hiệu phạm tội. Việc khởi tố vụ án hình sự, đối tượng khởi tố là hành vi có dấu hiệu phạm tội. Sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra vụ án hình sự và ra quyết định khởi tố bị can khi có đủ căn cứ xác định một cá nhân, pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Do đó, quyết định khởi tố bị can có đối tượng khởi tố là người hoặc pháp nhân có dấu hiệu phạm tội. 

Theo quy định tại Điều 143 VBHN Bộ luật Tố tụng Hình sự 2021, cơ quan có thẩm quyền chỉ khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

“1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.”

Viên chức bị khởi tố có được đi làm?

Khi viên chức bị khởi tố, tức là, hành vi của họ đã có dấu hiệu của tội phạm. Khi đó, viên chức có thể phải đối mặt với hiệu hậu quả pháp lý khác nhau như: trách nhiệm kỷ luật, các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra vụ án hình sự (tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, …) Do đó, một câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra là: “Viên chức bị khởi tố có được đi làm?”. Về vấn đề này, LSX trả lời như sau: 

Tại Điều 54 VBHN Luật Viên chức 2019 quy định về tạm đình chỉ công tác như sau: “1. Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ.”

Như vậy, viên chức chỉ bị đình chỉ công tác khi bị xem xét, xử lý kỷ luật và khi người đứng cầu đơn vị sự nghiệp công lập xét thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, căn cứ Khoản 4 Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP thì chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với trường hợp: “Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.”

Và, Khoản 20 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP (bổ sung Điều 41 Nghị định 112/2020/NĐ-CP) quy định như sau: 

“4. Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì đương nhiên bị tạm đình chỉ công tác, tạm đình chỉ chức vụ (nếu có); hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà được tại ngoại thì việc tạm đình chỉ công tác thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp giữ chức vụ thì tiếp tục bị tạm đình chỉ chức vụ cho đến khi có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Cán bộ, công chức, viên chức đã có quyết định khởi tố bị can nhưng được tại ngoại thì đương nhiên bị tạm đình chỉ chức vụ (nếu có); cấp có thẩm quyền sử dụng phân công công tác theo thẩm quyền; việc tạm đình chỉ công tác được thực hiện theo đề nghị của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc theo quyết định của cơ quan quản lý hoặc được phân cấp thẩm quyền quản lý.”

Do đó, trong trường hợp viên chức bị khởi tố về hành vi vi phạm pháp luật thì chưa bị xem xét xử lý kỷ luật. Vì vậy, khi bị khởi tố mà viên chức không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn như: tạm giữ, tạm giam thì vẫn có thể tiếp tục đi làm. 

Viên chức bị khởi tố có được đi làm không?

Chế độ tiền lương của viên chức khi không đi làm do bị khởi tố?

Như trên đã phân tích, khi bị khởi tố, viên chức vẫn có thể đi làm bình thường. Trong trường hợp này, viên chức vẫn được hưởng lương, phụ cấp theo quy định. Tuy nhiên, đối với viên chức bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tạm giam thì không thể đi làm thì tiền lương của viên chức trong trường hợp này được giải quyết theo quy định tại Điều 41 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau: 

“Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm đình chỉ chức vụ mà chưa bị xử lý kỷ luật thì áp dụng theo chế độ quy định như sau:

1. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam hoặc được cho tại ngoại nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú mà không thể tiếp tục đi làm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác mà chưa bị xem xét xử lý kỷ luật thì được hưởng 50% của mức lương hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị tạm đình chỉ chức vụ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.

2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.”

Mời bạn xem thêm: 

Khuyến nghị

Với đội ngũ nhân viên là các luật sư, luật gia và chuyên viên pháp lý của LSX, chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý toàn diện về vấn đề luật dân sự đảm bảo chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Ngoài tư vấn online 24/7, chúng tôi có tư vấn trực tiếp tại các trụ sở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Giang.

Thông tin liên hệ: 

Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề Viên chức bị khởi tố có được đi làm không? Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay nhu cầu sử dụng đến dịch vụ công chứng giấy tờ tại nhà cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả.

Câu hỏi thường gặp: 

Viên chức bị khởi tố có được coi là phạm tội?

Theo nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 VBHN Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 thì: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
Do đó, trong trường hợp viên chức bị khởi tố (chưa có bản án kết tội của Tòa án) thì chưa được coi là có tội/ phạm tội mà chỉ là người bị cơ quan có thẩm quyền buộc tội. 

Ai có thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với viên chức?

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự (bao gồm đối với viên chức) được quy định tại Điều 153 VBHN Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 như sau: 
“1. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật này.
3. Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:
a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
4. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.”

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm