Yêu cầu đối với hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính

bởi NguyenDucThuan
yêu cầu đối với hình thức phạt tiền

Xử phạt vi phạm hành chính là một trong những nội dung rất quan trọng của hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Trong đó, bao gồm các nội dung về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính; hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Trong các hình thức xử phạt VPHC đã quy định thì phạt tiền là hình thức được áp dụng phổ biến nhất trên thực tế. Vậy, yêu cầu đối với hình thức phạt tiền được quy định như thế nào?

Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X.

Cơ sở pháp lý

Luật xử lý Vi phạm hành chính 2012

Phạt tiền là gì?

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định hình thức phạt tiền tại điều 23, theo đó có thể hiểu: “Phạt tiền là một hình thức xử phạt chính của vi phạm hành chính; do cơ quan nhà nước, các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền áp dụng nhằm trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính; theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định”.

Phạt tiền là hình thức xử phạt chính từng được quy định tại điều 13 Pháp lệnh xử lý VPHC năm 1995. Tuy trong điều này không định nghĩa hình thức phạt tiền nhưng cũng đã chỉ ra rằng, cá nhân tổ chức vi phạm bị phạt tiền phải nộp phạt bằng tiền mặt; (tiền đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại lệ trong các trường hợp do Chính phủ quy định). Đây là hình thức áp dụng phổ biến đối với nhiều loại hành vi vi phạm hành chính từ những vi phạm về trật tự an toàn xã hội; đến những vi phạm trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, môi trường, thuế.

Yêu cầu đối với hình thức phạt tiền

Đối tượng áp dụng hình thức phạt tiền

Yêu cầu đối với hình thức phạt tiền thể hiện trước hết ở đối tượng áp dụng. Cụ thể:

Một là, cá nhân. Cá nhân từ đủ 16 trở lên khi vi phạm hành chính là đối tượng bị áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

Hai là, tổ chức. Theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 5 Luật xử lý VPHC 2012, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Chính vì vậy, tổ chức VPHC cũng sẽ là đối tượng của hình thức phạt tiền.

Yêu cầu về mức phạt tiền

Yêu cầu đối với hình thức phạt tiền còn thể hiện hiện ở mức phạt. Cụ thể như sau:

Mức phạt tiền tối đa đối với đối tượng VPHC

Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức; trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật xử lý VPHC 2012.

Mức phạt tiền theo khu vực

Luật Xử lý VPHC cũng quy định: “… đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn; nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội”(khoản 1 Điều 23).

Phân hoá mức phạt tiền giữa khu vực đô thị và các khu vực khác vừa thể hiện sự đánh giá của Nhà nước về tính chất, mức độ nguy hiểm của vi phạm hành chính cao hơn ở khu vực này; vừa phù hợp với sự khác biệt về mức sống giữa đô thị và các khu vực khác. Quy định mức phạt cao cũng là biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm hành chính đang gia tăng; gây cản trở đến sự phát triển lành mạnh tại các đô thị.

Mức phạt tiền tối đa trong mỗi lĩnh vực

Luật xử lý VPHC 2012 dành riêng một điều điều 24 quy định về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực. Đối với mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, Luật tiếp tục kế thừa Pháp lệnh Xử lý VPHC về việc khống chế mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi VPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Cách thức điều chỉnh theo hướng nhóm các VPHC theo các lĩnh vực và trong mỗi lĩnh vực quy định cụ thể từng nhóm vi phạm với các mức phạt tối đa tương ứng.

Mức phạt tối đa được chia thành các mức khác nhau như 30 triệu đồng, 40 triệu đồng; 50 triệu đồng; 200 triệu đồng… tùy thuộc vào các lĩnh vực quản lý nhà nước. Để bảo đảm sự linh hoạt và bao quát, không bỏ sót các vi phạm, Luật cũng xác định nguyên tắc xử lý. Cụ thể: đối với những nhóm VPHC tuy thuộc một trong các lĩnh vực trên nhưng chưa được quy định rõ thì Chính phủ sẽ quy định mức phạt tiền đối với các nhóm vi phạm đó nhưng không được quá mức phạt tối đa mà Luật Xử lý VPHC quy định đối với lĩnh vực tương ứng.

Đối với các lĩnh vực hoặc nhóm hành vi mới chưa được ghi nhận tại Luật xử lý VPHC, Chính phủ chỉ được quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ quốc hội. Ngoài ra, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; sở hữu trí tuệ; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; hạn chế cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng.

Nguyên tắc định mức tiền phạt

Có thể quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể theo cách xác định số tiền phạt tối thiểu, tối đa. Hoặc xác định số lần, tỉ lệ phần trăm của giá trị; số lượng hàng hoá, tang vật vi phạm,;đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số lợi thu được từ vi phạm hành chính.

Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực được quy định. 

Bên cạnh đó, khoản 4 điều 23 quy định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống; nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên; nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.

Thủ tục phạt tiền

Điều 56 và 57 Luật xử lý VPHC năm 2012 quy định hai thủ tục xử phạt VPHC. Trong đó thủ tục không lập biên bản chỉ được áp dụng trong trường hợp phạt cảnh cáo; hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000 đồng đối với tổ chức; (trừ trường hợp vi phạm được phát hiện bởi các phương tiện kỹ thuật). Tất cả các trường hợp còn lại đều áp dụng theo thủ tục có lập biên bản.

Như vậy, để có thể áp dụng hình thức phạt tiền, người áp dụng phải tuân thủ các yêu cầu đối với hình thức phạt tiền để đảm bảo xử phạt đúng pháp luật; đảm bảo mục đích của hình thức phạt tiền.

Liên hệ Luật sư X

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề: “Yêu cầu đối với hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính”. Để sử dụng dịch vụ của chúng tôi mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.

Liên hệ hotline: 0833102102

  1. FaceBook: www.facebook.com/luatsux
  2. Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
  3. Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux

Câu hỏi thường gặp

Xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính; theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Tính bất lợi của hình thức phạt tiền?

Cũng giống như các hình thức xử phạt khác, phạt tiền nhằm góp phần vào việc duy trì trật tự, kỷ cương; nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong xã hội; thông qua cơ chế gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức vi phạm. Vì thực chất, “phạt tiền là sự tác động vào lợi ích của người vi phạm”. Lợi ích ở đây là về mặt kinh tế. Khi bị phạt tiền, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm bằng việc nộp một khoản tiền cho nhà nước. Mức phạt tiền sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật.

Tính răn đe của hình thức phạt tiền?

Mục đích chính của việc phạt tiền là tạo lập khả năng tránh tái diễn hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức. Nó không khuyến khích cá nhân, tổ chức khác thực hiện hành vi tương tự; với cơ chế thúc đẩy tâm lý “sợ bị phạt”; tâm lý đó sẽ làm cho các cá nhân kiểm soát tốt hành vi của mình cũng như đưa ra những lựa chọn thực hiện hành vi hợp pháp; nhờ đó mà nâng cao tính tuân thủ pháp luật tốt hơn.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm