Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù cho đến xử án tử.
Năm 1673, đời Lê Gia Tông, tại khoa thi Hương, Tham chính Thanh Hóa Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò làm kỳ đệ tử. Phủ doãn phủ Phụng Thiên Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ, xoay tiền của. Việc bị phát giác, cả hai đều bị xử đến tội đồ (bắt làm nô lệ).
Kỳ thi cuối năm 1696, Tham tụng (người đứng đầu chính quyền trong phủ chúa Định Nam vương Trịnh Căn) là Lê Hi gửi gắm con mình trong kì thi Hương cho Sách Tuân, nhưng cuối cùng quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt. Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ. Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện nhưng ém đi không tâu báo.
Sau khi sự việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết). Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc, giám khảo đều bị phạt. Lê Hi là chủ mưu nhưng là quan to thì lại thoát tội.
Năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt, đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Khi sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông, một thời gian sau mới được thả.
Trong kỳ thi Hương năm Minh Mạng thứ 15 (1834), tiến sĩ Ngô Thế Vinh được triều đình điều về trường thi Hà Nội làm giám khảo. Do vi phạm trường quy nên ông bị cách chức, tước học vị phải về nhà dạy học. Đến đời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhờ Tổng đốc Định An là Nguyễn Đình Tân dâng sớ cho phục chức hàm cho những người có tài năng từng bị cách chức, Ngô Thế Vinh mới được khôi phục học vị tiến sĩ.
Các quan trong ngành giáo dục dính đến gian lận thi cử có thể bị xử phạt nặng gấp nhiều lần dân thường. Nếu sửa bài thi của thí sinh cũng có thể bị xử đến án tử. Điển hình là sự việc có liên quan đến “thần Siêu, thánh Quát”, diễn ra dưới thời nhà Nguyễn, năm 1841, niên hiệu Minh Mạng thứ 21.
Trong kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 quyển bài thi của học trò, đỗ được 5 người. Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho đỗ.
Sự kiện này khiến dư luận bàn tán, triều đình tra xét. Các ông Quát, Nhạ bị khép tội xử tử, nhưng sau đó được tha cho đổi thành giảo giam hậu (giam được 3 năm thì thả). Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, phạt trượng nhưng sau xét lại chỉ cách chức.
Dù nặng hay nhẹ, các án trường thi vẫn là dạng “án điểm”, các triều đình phong kiến hết sức phòng ngừa và khi phát giác sẽ xử lý rất nghiêm. Bởi thời xưa quan niệm giáo dục chính là “bách niên chi kế”, là quá trình “trồng người”. Nếu xảy ra gian lận trong quá trình học tập sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được.
Sĩ tử thời xưa chỉ có con đường chủ yếu để tiến thân là qua thi cử. Trường thi chính là khởi đầu quá trình đào tạo quan chức. Những người có “tì vết” về đường học hành thi cử thì đường tiến thân coi như khép lại.
Lê Tiên Long – Vnexpress