Các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán diễn ra rất phổ biến, đa dạng, được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật quy định về trách nhiệm phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL về chứng khoán và TTCK như thế nào? Các hình thức xử lý VPPL về chứng khoán và TTCK được quy định ra sao? Thực trạng về giám sát thị trường chứng khoán tại Việt Nam hiên nay? Mời bạn theo dõi bài viết sau đây của Luật sư X để được giải đáp nhé.
Căn cứ pháp lý
Trách nhiệm phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL về chứng khoán và TTCK như thế nào?
Căn cứ Điều 131 Luật Chứng khoán 2019 quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu, giải trình, đến làm việc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 130 của Luật này.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 130 của Luật này.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp, gửi thông tin về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp có liên quan, thông tin khác theo đề nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
– Cơ quan thuế có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của công ty đại chúng về đăng ký thuế, đóng mã số thuế, mở lại mã số thuế, ngừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế, thông tin khác theo đề nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, tài liệu, dữ liệu mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu khi có căn cứ cho rằng việc yêu cầu cung cấp là trái quy định tại Điều 130 của Luật này hoặc thông tin, tài liệu, dữ liệu được yêu cầu không liên quan đến đối tượng thanh tra, kiểm tra, đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong trường hợp không cung cấp được, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước biết và nêu rõ lý do.
Các hình thức xử lý VPPL về chứng khoán và TTCK
Xử lí hành chính
Hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khi có đủ hai điều kiện sau:
Một là hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện được văn bản pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định là có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo;
Hai là việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về chứng khoán chỉ được thực hiện khi đó là vi phạm nhỏ, lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ.
Cảnh cáo là hình thức xử phạt chủ yếu mang tính giáo dục đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Đối tượng áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo không bị coi là có án tích và không bị ghi vào lí lịch tư pháp.
Nếu không thuộc trường hợp bị xử phạt cảnh cáo thì sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà mức phạt được áp dụng khác nhau đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là mức trung bình của khung phạt tiền đối với hành vi đó. Đối với trường hợp vi phạm hành chính có cả tình tiết tăng nặng lẫn giảm nhẹ thì tùy theo tính chất, mức độ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà người có thẩm quyền quyết định áp dụng mức phạt cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình hoặc áp dụng mức trung bình của khung hình phạt.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn có thể bị áp dụng
một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau:
– Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
– Đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng;
– Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Xử lí vi phạm hình sự
Bộ luật hình sự hiện hành đã bổ sung tội phạm về chứng khoán trong đó có 3 tội danh: một là tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; hai là tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; ba là tội thao túng giá chứng khoán. Ba loại tội phạm này đều xâm phạm chế độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Chủ thể của các loại tội phạm này là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và phải đủ 16 tuổi trở lên.
Đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, mặt khách quan của tội phạm là người phạm tội có hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng kí, lưu kí, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán. Đây là tội phạm có cấu thành vật chất. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý.
Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, mặt khách quan của tội phạm là người phạm tội có hành vi sử dụng thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính lớn. Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp.
Đối với tội thao túng giá chứng khoán, hành vi này có thể thể hiện dưới một trong hai hình thức sau:
(1) thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo;
(2) giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán.
Sở dĩ người phạm tội có hành vi thao túng giá chứng khoán nhằm làm cho các nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường chứng khoán, từ đó thu lợi bất chính. Thẩm quyền xử lí tội phạm về chứng khoán thuộc về toà án nhân dân. Toà án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự từ đó quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Thực trạng về giám sát thị trường chứng khoán tại Việt Nam
Kể từ thời điểm 1/1/2021, Luật chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực, công tác giám sát TTCK tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Theo đó, khung pháp lý về giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ có những thay đổi đáng kể, đó là quy định về vai trò, trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý, giám sát thị trường – UBCKNN; Quy định về Trách nhiệm phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL về chứng khoán và TTCK; Quy định về phối hợp giám sát vi phạm chứng khoán mang tính xuyên biên giới liên quan đến TTCK Việt Nam giữa UBCKNN và cơ quan quản lý TTCK các nước…
Các cấp giám sát được phân quyền rõ ràng đảm bảo thống nhất, minh bạch theo hệ thống tiêu chí phân tích báo cáo giám sát giao dịch; Xây dựng hệ thống giám sát kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch của các SGDCK, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo sớm để có thể chủ động hơn trong công tác giám sát, phù hợp với thực tế phát triển của TTCK. Hàng loạt những giao dịch có dấu hiệu “bất thường”, nhiều mã cổ phiếu “Nhóm Louis” vào tầm ngắm của Uỷ ban Chứng khoán.
Trong quá trình giám sát, thanh tra, UBCKNN đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ việc; đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi hành vi thao túng, nội gián và các vi phạm pháp luật khác như tạo dựng, lan truyền, cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật liên quan đến hoạt động chứng khoán trên không gian mạng.
Năm 2020, UBCKNN ra quyết định xử phạt đối với 380 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 22,2 tỷ đồng; có 02 vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được xét xử. 06 tháng đầu năm 2021, UBCKNN đã cũng xử phạt hành chính đối với 156 cá nhân và 34 tổ chức với tổng số tiền phạt là 5,66 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
- Quan hệ tình dục với người đã có gia đình có phạm pháp?
- Chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định pháp luật hiện hành
- Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng như thế nào?
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề; “Trách nhiệm phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý VPPL về chứng khoán và TTCK như thế nào”. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn; giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến giải thể công ty; hủy hóa đơn giấy, xác nhận tình trạng hôn nhân, Đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký nhãn hiệu, Tra cứu thông tin quy hoạch; …. của luật sư X.
Hãy liên hệ hotline: 0833 102 102. Hoặc qua các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
– Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán; không giải quyết kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định; không thực thi các công vụ khác do pháp luật quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hành vi VPPL về chứng khoán và TTCK bao gồm các vi phạm sau:
– Vi phạm trong lĩnh vực chào bán chứng khoán
– Vi phạm trong lĩnh vực niêm yết chứng khoán
– Vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán
– Vi phạm quy định về kinh doanh chứng khoán
– Vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán
Căn cứ Khoản 3 Điều 97 Luật Chứng khoán 2019 quy định cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong các trường hợp sau đây:
– Không còn đáp ứng điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều này;
– Vi phạm quy định tại Điều 12, khoản 2 Điều 98 của Luật này;
– Không hành nghề chứng khoán trong 03 năm liên tục.
Trên đây là tổng hợp các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán của cá nhân theo quy định hiện hành.