Biểu tình thế nào là hợp pháp?

bởi Luật Sư X
Biểu tình thế nào là hợp pháp?

Ở nhiều nơi trên thế giới, các cuộc biểu tình hợp pháp được xem là một hình thái thể hiện sự dân chủ. Những cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người; bảo vệ tự do dân tộc; chống lại chế độ đế quốc, thực dân; đấu tranh bài trừ nạn phân biệt chủng tộc;… cũng được thực hiện qua các cuộc biểu tình, tuần hành. Trong những buổi đầu của cuộc đấu tranh chống đế quốc, thực dân của nước ta cũng được khởi nguồn từ những cuộc biểu tình của tầng lớp trí thức yêu nước. Tuy nhiên hiện nay, đa số người dân chưa ý thức được ý nghĩa, phương thức thực hiện và vai trò của các cuộc biểu tình, từ đó dẫn đền tình trạng những cuộc biểu tình hiện nay được diễn ra đa phần là bất hợp pháp, không loại trừ yếu tố bị kích động bởi các thế lực thù địch nhằm chống phá chính quyền. Thông qua bài viết dưới đây, Luật sư X hy vọng sẽ truyền tải đến những kiến thức để giúp các bác có những nhìn nhận đúng đắn về biểu tình.

Căn cứ:

  • Hiến pháp 2013
  • Nghị định số 38/2005/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Mọi công dân có quyền biểu tình hợp pháp

Các học giả trên thế giới có rất nhiều ý kiến khác nhau về thế nào là biểu tình, tuy nhiên về tổng quan thì phần đa các học giả đều cho rằng biểu tình là sự biểu hiện và hành động để nhằm bày tỏ quan điểm phản đối hoặc ủng hộ về một vấn đề nào đó về kinh tế, chính trị – xã hội. Còn theo từ điển Tiếng Việt thì định nghĩa: “Biểu tình là đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung”. Như vậy có thể hiểu biểu tình là sự tập hợp của một nhóm người có cùng quan điểm để cùng bày tỏ ý chí, nguyện vọng đối với một vấn đề thời sự của mọi mặt đời sống. Trong xu hướng phát triển lịch sử, biểu tình là nhu cầu thực tiễn tất yếu của con người, phù hợp sự vận động liên tục của lịch sử- xã hội.

Các cuộc biểu tình đã được diễn ra từ rất lâu trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại, nó là biểu hiện của nền tự do dân chủ. Tiếp nối những quan điểm tiến bộ về tự do dân chủ để áp dụng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao quyền, tôn trọng quyền tự do, dân chủ xuyên suốt quá trình hoạt động. Cụ thể, sau cuộc Cách mạng tháng 8 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về biểu tình mà trong đó công nhận quyền hội họp là quyền rất cơ bản của người dân. Tiếp đó, trong Hiến pháp 1946 nhà nước ta cũng cụ thể hóa bằng quy định về quyền tự do hội họp của người dân. Với quan điểm coi hội họp là nội hàm của khái niệm biểu tình, do đó 2 văn bản nêu trên dù không quy định trực tiếp về quyền biêu tình nhưng thực tế vẫn công nhận biêu tình thông qua quyền hội họp của người dân. Tuy nhiên, kể từ Hiến pháp năm 1959 cho tới Hiến pháp 2013 có hiệu lực hiện nay, nhà nước ta đã công nhận và quy định trực tiếp quyền biểu tình là một trong những quyền cơ bản của mỗi công dân. Cụ thể tại Điều 25 Hiến pháp 2013, “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.” Vì vậy có thể thấy rằng, pháp luật Việt Nam không hề ngăn cấm việc biểu tình, mà còn công nhận và tôn trọng quyền biểu tình tương tự như những quyền công dân cơ bản khác. 

Tuy nhiên, dù Hiến pháp công nhận quyền biểu tình nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản luật nào quy định cụ thể về việc biểu tình. Do đó, khiến cho thực trạng các cuộc biểu tình thường diễn ra vô tổ chức, trái pháp luật, thậm chí có những cuộc biểu tình bị kích động bởi những đối tượng xấu dẫn tới tình hình mất trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình đó, Quốc hội đã xây dựng dự thảo về Luật biểu tình nhằm luật hóa hoạt động biểu tình, qua đó tạo điều kiện để các cuộc biêu tình trong tương lai sẽ diễn ra hợp pháp và được nhà nước, chính quyền kiểm soát và quản lý trong khuôn khổ pháp luật.

2. Biểu tình thế nào là hợp pháp

Trên thế giới, những cuộc biểu tình diễn ra với sự tổ chức, lãnh đạo của một nhóm thủ lĩnh biểu tình. Đây là những người có tiếng nói và uy tín trong cộng đồng hoặc trong nhóm người biểu tình. Những thủ lĩnh có vai trò dẫn dắt quan điểm về tư tưởng cũng như đảm bảo cuộc biêu tình được diễn ra một cách hợp pháp, bên cạnh đó họ còn đóng vai trò thỏa hiệp với phía đối lập quan điểm của nhóm mình.

Tuy pháp luật Việt Nam chưa có văn bản luật quy định cụ thể về việc tổ chức; phương thức, phạm vi của các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, từ thực tiễn thấy rằng các cuộc biểu tình thường được diễn ra với sự tụ tập của số lượng lớn người. Họ tập trung tại những nơi công cộng với nhưng băng rôn, khẩu hiệu thể hiện quan điểm. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để được cuộc biêu tình diễn ra hợp pháp, thì các cuộc biểu tình muốn diễn ra một cách hợp pháp trước hết cần phải có người thủ lĩnh hoặc nhóm thủ lĩnh biểu tình để lãnh đạo và điều phối cuộc biểu tình trong khuôn khổ pháp luật. Những người thủ lĩnh biểu tình trước hết cần phải đăng ký với chính quyền địa phương về hoạt động tụ tập, hội họp đông người theo quy định tại Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP để được phép tổ chức biểu tình hợp pháp. Cụ thể Điều 7 Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định:

“Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký.”

Trong suốt quá trình diễn ra cuộc biểu tình, những người tham gia biểu tình cũng phải thể hiện một thái độ ôn hòa, những lời nói, hành động của người biểu tình phải tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về an ninh quốc gia, an toàn, trật tự xã hội,… Hơn nữa, phải tuân thủ những quy tắc riêng biệt được chính quyền địa phương quy định trong nội quy, quy chế về tụ tập đông người tại địa phương. Để làm được những điều trên, cần có sự đóng góp rất lớn của các thủ lĩnh biểu tình và sự tuân thủ của những người tham gia biểu tình, bởi lẽ, ranh giới giữa biểu tình hợp pháp và biểu tình bất hợp pháp hiện nay là vô cùng mong manh. Các bác nếu có bức xúc về một vấn đề nào đó và có ý nghĩ sẽ tham gia biểu tình hoặc tổ chức một cuộc biểu tình thì xin hãy lưu ý những vấn đề đã nêu ở trên để tránh những trường hợp vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hy vọng bài viết có ích đối với quý độc giả

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về pháp luật hình sự tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

 

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm