Trong các bộ phim hình sự điều tra của Mỹ, Hàn… có rất nhiều trường hợp hung thủ sau nhiều năm gây án bỏ trốn ra tự thú lại thoát tội mà các cơ quan điều tra không thể làm gì những người này. Vậy tại sao lại như vậy và pháp luật Việt Nam có quy định về vấn đề này hay không? Bài viết này của Luật sư X sẽ giải đáp vấn đế này cho các bạn.
Căn cứ
- Bộ luật hình sự 2015
Nội dung tư vấn
Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về vấn đề đối với những người phạm tội sau nhiều năm bỏ trốn ra tự thú nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề này được cụ thể hóa tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Có nhiều người cho rằng quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã tạo cơ hội để lọt lưới tội phạm hay giảm bớt số lượng vụ án thụ lý cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, có nhiều người đã hiểu sai bản chất thật sự của quy định này. Việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là hết sức cần thiết, không chỉ có ý nghĩa về bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật mà còn nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong việc điều tra khám phá các vụ án. Bên cạnh đó, việc quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn mang tính nhân đạo, tạo điều kiện cho con người phục thiện, sửa chữa những sai lầm mà họ đã phạm phải.
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà Bộ luật hình sự 2015 quy định cho từng loại tội phạm mà khi hết thời hạn này thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đó nữa. Cụ thể, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Theo quy định trên thì thời hiệu truy cứu được tính từ này tội phạm được thực hiện và nó được chia làm 4 trường hợp tương ứng với từng loại tội phạm sau:
05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng:
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm
Ví dụ: tội giết hoặc vứt con mới đẻ, tội hành hạ người khác,…
10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng:
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
Ví dụ: Tội lây truyền HIV cho người khác quy định tại khoản 2 Điều 148
15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng:
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
Ví dụ: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại khoản 3 Điều 192, Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (khoản 1 điều 142)
20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng:
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ: tội giết người quy định tại khoản 1 Điều 123
Đồng thời trong trường hợp mà người phạm tội cố tình bỏ trốn để không phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ có hai trường hợp xảy ra:
- Không có quyết định truy nã : thời gian người đó bỏ trốn sẽ được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu như hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà người đó không đầu thú hoặc bị bắt giữ thì cơ quan điều tra sẽ không thể khởi tố vụ án và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
- Có quyết định truy nã: thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ
2. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
Mặc dù quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một trong những chính sách nhân đạo của nhà nước Việt Nam đối với những người thực hiện hành vi phạm tội để họ có điều kiện phục thiện, sửa chữa những sai lầm mà họ đã phạm phải. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người phạm tội đều sẽ được hưởng chính sách này, vì có những cá nhân thực hiện hành vi phạm tội mà gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhà nước, đất nước, dân tộc. Cụ thể Bộ luật hình sự quy định bốn trường hợp sau sẽ không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh
- Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật hình sự
- Tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật hình sự
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!
Khuyến nghị
- LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng tại Việt Nam
- Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay qua hotline: 0833.102.102