Căn cứ pháp lý:
- Bộ Luật hình sự năm 2015
- Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP
Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1 Điều 318 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:
“Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Thứ hai, thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo quy định tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP, hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự được hiểu:
- Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
- Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
- Chết người;
- Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
- Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
- Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
- Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.
Như vậy, trong trường hợp các tài xế hay người dân chặn xe gây ác tắc đã có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan chức năng cũng căn cứ vào tính chính đáng của các sự phản kháng này của họ mà có sự căn nhắc không khởi tố, đây là một sự linh hoạt tích cực trong áp dụng pháp luật.