Trong một video clip trên Youtube quay cảnh chửi thực khách của bà T – chủ quán “bún chửi” nổi tiếng ở phố Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), người ta nghe thấy những câu rất khó nghe: “Gọi cái (đ…) gì mà gọi. Bảo thằng nhà quê đây không có sườn 20 nghìn nhá, (m…) thằng nhà quê!; Bát bún 40 nghìn còn gì nữa. Mặt như mất sổ đỏ ý. Không ăn được thì biến. Ăn thì ngồi đến cả tiếng đồng hồ. Buồn à, buồn à, không có (đ…) thằng nào à? Con điên!; Đã bảo là hết 40 nghìn, điếc à mà không nghe thấy?; Không ăn đi còn nhìn cái gì? Không nuốt nổi à? Đi ăn mà mặt cứ như đâm lê…” . Hành vi chửi bới, lăng mạ, miệt thị khách hàng của bà T đã khiến một bộ phận đông đảo người dân cảm thấy phẫn nộ, không hài lòng. Vậy hành vi chửi bới, lăng mạ khách hàng của bà T liệu có vi phạm pháp luật hay không? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý
- Hiến pháp năm 2013
- Bộ luật Dân sự 2015
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
Nội dung tư vấn
1. Hành vi chửi bới, lăng mạ khách hàng của bà T có vi phạm pháp luật không?
Chửi bới, lăng mạ người khác là hành vi dùng lời nói, hành động xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của người đó.
Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”
Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định : “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”
Theo quy định của hai điều khoản trên ta có thể thấy danh dự, nhân phẩm của cá nhân là một trong những đối tượng được pháp luật Việt Nam bảo hộ và quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền cơ bản của tất cả mọi người.
Việc quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được bảo hộ, bảo vệ tại Hiến pháp – văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất cho thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ cái “đối tượng” này.
Cụ thể hơn thì tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó:
“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.
Trong trường hợp thực tế trên, bà T đã có những lời lẽ không hay, không phân biệt hành vi chửi bới của chủ quán là có chủ ý nhằm xúc phạm thực khách hay chỉ quen miệng trong giao tiếp nhằm tạo cá tính kinh doanh thì hành vi chửi bới, lăng mạ khách hàng của bà T được xác định là hành vi vi phạm pháp luật do đã vi phạm các quy định của pháp luật về việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Bất kỳ thực khách nào có cảm giác danh dự, uy tín, nhân phẩm của mình đã bị chủ quán xúc phạm, gây tổn thương (mà mình không có lỗi và có chứng cứ về việc đó) đều có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, người có trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường thêm một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người đã gánh chịu, do các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương nhà nước quy định (Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015).
2. Trách nhiệm pháp lý
Tùy vào mức độ và hậu quả của hành vi chửi bới, lăng mạ khách hàng mà trách nhiệm pháp lý đặt ra cho bà chủ quán là khác nhau.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;…”
Như vậy, bà chủ quán có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
2.2. Trách nhiệm hình sự
Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội làm nhục người khác. Theo đó:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Để đánh giá hành vi xúc phạm có ở mức độ nghiêm trọng hay không phải căn cứ thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ và thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm; vị trí và môi trường xung quanh; vị trí, vai trò, uy tín của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc trong xã hội; dư luận xã hội về hành vi xúc phạm đó…
Theo quy định trên thì bà T – chủ quán “bún mắng, bún chửi” có thể chịu các hình thức xử phạt sau:
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
- Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm trong các trường hợp:
- Phạm tội 02 lần trở lên
- Đối với 02 người trở lên
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm trong các trường hợp:
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
- Làm nạn nhân tự sát
Tạo sự khác biệt trong kinh doanh là điều nên khuyến khích, nhưng không nên tạo sự khác biệt bằng “bún chửi, cháo mắng, phở quát”, bởi trên tất cả những tranh luận rằng đó có phải là một nét đặc trưng buôn bán, có phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt hay không, thì chửi mắng là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Trong một xã hội pháp quyền, thì hành vi đó dễ dàng đưa lối dẫn đường các chủ quán đến vòng lao lý.
Khuyến nghị
- Luật sư X là thương hiệu hàng đầu về Luật sư tranh tụng tại Việt Nam.
- Nội dung tư vấn pháp luật mà Luật sư X cung cấp Qúy vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Để có những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi qua hotline: 0833102102