Giá điện hiện nay được tính theo khung giá mà nhà nước quy định, nên dù giá điện có tăng cao hay thấp, sử dụng điện ít hay nhiều hay là do sai xót trong việc tính tiền điện của bên điện lực thì các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình đang sử dụng điện vẫn phải thực hiện việc đóng đủ tiền điện theo hóa đơn thanh toán và đúng hạn theo quy định. Việc chậm đóng tiền điện có thể sẽ phải chịu một số thiệt hại khi Tổng công ty điện lực áp dụng các biện pháp xử lý do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký và vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Vậy trong trường hợp chậm đóng tiền điện thì bên mua điện có bị cắt điện không? Chậm đóng tiền điện bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định?
Căn cứ pháp lý
- Luật điện lực 2004;
- Luật điện lực sửa đổi, bổ sung năm 2012
- Nghị định 134/2013/NĐ-CP
- Nghị định 17/2022/NĐ-CP
- Thông tư 23/2020/TT-BCT xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại
Nội dung tư vấn
Chậm đóng tiền điện có bị cắt điện không?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Luật điện lực năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2012, trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.
Theo đó, nếu chậm đóng tiền điện quá 15 ngày thì người sử dụng điện có thể bị cắt điện. Người sử dụng điện nếu muốn tiếp tục sử dụng điện thì phải đóng đủ số tiền điện chậm trả và tiền lãi của tiền điện chậm trả theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện.
Chậm đóng tiền điện bị phạt bao nhiêu?
Hiện nay, việc thanh toán tiền điện được quy định tại Điều 23 Luật điện lực năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2012, theo đó bên mua điện sẽ phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền điện ghi trong hóa đơn cho bên bán điện theo biểu giá điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, trong trường hợp chậm đóng tiền điện, bên mua sẽ phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho bên bán điện.
Nếu bên bán điện thu thừa tiền điện thì phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa. Lãi suất của số tiền chậm trả hoặc thu thừa do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà bên bán điện có tài khoản ghi trong hợp đồng tại thời điểm thanh toán.
Trong trường hợp nhận thấy bên bán điện có sai xót hay nhầm lẫn trong việc thanh toán tiền điện thì bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày.
- Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải.
- Trường hợp không đề nghị hoà giải hoặc hoà giải không thành, bên mua điện có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
- Trong thời gian chờ giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện và bên bán điện không được ngừng cấp điện
Ngoài ra, theo Thông tư số 23/2020/TT-BCT, các tổ chức, cá nhân liên quan phải trả cho bên bán điện chi phí trong trường hợp ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật bị bên bán điện ngừng cấp điện.
Việc thu chi phí để được cấp điện trở lại sau khi bị ngừng cấp điện nhằm bù đắp cho bên bán điện để cấp điện trở lại. Tiền thu chi phí ngừng và cấp điện trở lại được hạch toán vào doanh thu của bên bán điện (phần doanh thu sản xuất kinh doanh khác) và nộp thuế theo quy định.
– Mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại được quy định như sau:
- Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38kV trở xuống: 98.000 đồng;
- Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38kV-35kV: 231.000 đồng;
- Tại điểm có cấp điện áp trên 35kV: 339.000 đồng.
Như vậy, theo quy định trên thì trong trường hợp chậm đóng tiền điện, người sử dụng điện sẽ không bị phạt tiền mà ngoài số tiền điện gốc chưa được trả thì sẽ phải trả thêm số tiền lãi của tiền điện chậm trả cộng thêm chi phí ngừng cung cấp điện. Lãi suất của tiền điện chậm trả phụ thuộc vào thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện.
Một số trường hợp bị phạt tiền do vi phạm các quy định về sử dụng điện
Căn cứ theo khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 12 của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm các quy định về sử dụng điện như sau:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện hoặc tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện.
– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tự ý đóng điện dùng khi công trình sử dụng điện của bên mua điện chưa nghiệm thu; khi đang trong thời gian bị ngừng cấp điện do vi phạm quy định của pháp luật.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây);
- Sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm của khách hàng sử dụng điện lớn sau đây:
- Không thực hiện chế độ sử dụng điện theo đúng mức yêu cầu của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia trong trường hợp hệ thống bị hạn chế công suất; không có biện pháp đảm bảo tiêu chuẩn điện áp đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện;
- Sử dụng trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để đấu nối vào lưới điện quốc gia;
- Không thực hiện các lệnh thao tác của Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;
- Không thực hiện cắt điện, giảm mức tiêu thụ điện khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng;
- Không thực hiện đầu tư hệ thống thông tin liên lạc, SCADA/EMS/ DMS, đo đếm điện năng theo quy định;
- Không duy trì hoạt động bình thường của hệ thống thông tin liên lạc, SCADA/EMS/DMS, đo đếm điện năng đã đầu tư theo quy định.
– Đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức thì mức phạt tiền cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 1.000kWh;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 1.000kWh đến dưới 2.000kWh;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 2.000kWh đến dưới 4.500kWh;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 4.500kWh đến dưới 6.000kWh;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 6.000kWh đến dưới 8.500kWh;
- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500kWh đến dưới 11.000kWh;
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000kWh đến dưới 13.500kWh;
- Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500kWh đến dưới 16.000kWh;
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000kWh đến dưới 18.000kWh;
- Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh.
Ngoài phạt tiền thì người vi phạm còn bị tịch thu tang vật và buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm mà mình gây ra trong trường hợp nếu có
Liên hệ
Trên đây là những vấn đề liên quan đến “Chậm đóng tiền điện bị phạt bao nhiêu”. Luật sư X tự hào sẽ là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề cho khách hàng liên quan đến tư vấn pháp lý, thủ tục giấy tờ liên quan đến dịch vụ giải thể doanh nghiệp. Nếu quý khách hàng còn phân vân, hãy đặt câu hỏi cho Luật sư X thông qua số hotline 0833 102 102 chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi nhanh chóng.
Mời bạn xem thêm
- Điều kiện di dời cột điện trên đất theo quy định hiện nay
- Chi phí di dời cột điện trước nhà năm 2022 là bao nhiêu?
- Theo quy định thì phụ cấp điện thoại có tính thuế TNCN không?
Câu hỏi thường gặp
Theo quy định của Luật điện lực năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2012 thì trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo hai lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Số ngày bị cắt điện sẽ phụ thuộc vào số ngày mà bạn chưa trả số tiền điện chậm đóng của mình kể từ ngày nhận được thông báo ngừng cung cấp điện.
Việc bạn chậm đóng tiền điện không vi phạm quy định pháp luật về hình sự. Bạn chỉ bị ngừng cung cấp điện và phải trả cả tiền chậm đóng với tiền lãi của tiền điện chậm đóng nếu muốn tiếp tục sử dụng điện.