Với nhiều nguyên nhân và mục đích khác nhau, việc nhận con nuôi trong đời sống xã hội Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã tồn tại từ lâu và dần trở nên phổ biến. Quan hệ nuôi con nuôi chỉ được thiết lập và có giá trị pháp lý khi việc nuôi con nuôi tuân thủ theo những điều kiện và thủ tục nhận con nuôi theo quy định. Vậy việc nhận nuôi con nuôi có cần sự đồng ý của cả hai vợ chồng hay không? Chồng nhận con nuôi có cần hỏi ý kiến vợ không?Cùng tham khảo bài viết sau đây của Luật sư X nhé!
Căn cứ:
- Luật hôn nhân và gia đình 2014;
- Luật nuôi con nuôi năm 2010;
- Nghị định 19/2011/NĐ-CP
Nội dung tư vấn:
1. Nuôi con nuôi là gì :
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi, đảm bảo cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. (Khoản 1 Điều 67 Luật hôn nhân và gia đình).
2. Mục đích của việc nuôi con nuôi:
Điều 2 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định của việc nuôi con nuôi là: “nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”. Xác lập nuôi con nuôi “với mục đích cơ bản là đem đến cho đứa trẻ một gia đình chứ không phải là đem đến cho gia đình một đứa trẻ”.
3. Ý nghĩa của việc nuôi con nuôi:
Việc nuôi con nuôi thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình yêu thương, tinh thần, trách nhiệm và mối quan hệ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Là biện pháp tích cực giúp đỡ trẻ em không nơi nương tựa có mái ấm gia đình, được chăm sóc và phát triển trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, việc nuôi con nuôi còn giảm được gánh nặng về tài chính, kinh tế cho Nhà nước ta trong việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
4. Chồng nhận nuôi con nuôi có cần hỏi ý kiến vợ không?:
– Là vấn đề liên quan đến trẻ em, do đó những người nhận nuôi con nuôi phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện nghiêm ngặt mà pháp luật quy định. Cụ thể được quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 như sau:
Điều 14: Điều kiện đối với người nhận con nuôi:
“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.”
– Điều kiện của người được nhận làm con nuôi được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010:
Điều 8: Người được nhận làm con nuôi
“1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.”
Như vậy, căn cứ theo khoản 3, Điều 8, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Do đó nếu người chồng muốn nhận nuôi con nuôi cần phải được sự đồng ý của người vợ. Nếu chỉ có người chồng đồng ý nhận con nuôi còn người vợ không đồng ý nhận con nuôi thì sẽ không được nhận con nuôi.
Ngoài ra muốn nhận con nuôi thì vợ chồng còn phải đáp ứng các điều kiện như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt,…
Tóm lại, bạn đã kết hôn do đó muốn nhận nuôi con nuôi thì cả hai vợ chồng phải cùng đồng ý và nhận cháu bé làm con nuôi của cả hai vợ chồng chứ không thể nhận làm con nuôi của riêng vợ hoặc chồng được.
Hy vọng bài viết có ích!
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102