Phạt nguội không còn là hình thức xa lạ đối với mọi người khi tham gia giao thông trên đường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hình thức này lại không thể xác định chính xác người vi phạm. Vậy trường hợp cho mượn xe bị phạt nguội, chủ xe có phải nộp phạt thay hay không?
Để giải đáp thắc mắc trên, các bạn hãy cùng Luật sư X giải đáp nhé!
Căn cứ pháp luật
- Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Nội dung tư vấn
Phạt nguội là gì?
Phạt nguội là hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera được lắp trên các tuyến đường cao tốc, một số các ngã tư, là trọng điểm giao thông có ghi nhận được các hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và truyền những thông tin này về trung tâm xử lý.
Quy trình phạt nguội được thực hiện qua các bước như sau:
Bước 1: CSGT ghi hình các xe vi phạm trên đường. Bên cạnh đó, CSGT cũng sẽ phát hiện các xe vi phạm qua hệ thống giám sát tự động (camera và máy đo tốc độ).
Bước 2: Hình ảnh được chuyển cho bộ phận trích xuất hình ảnh, trích xuất các trường hợp vi phạm. Mỗi trường hợp vi phạm phải đảm bảo đủ bốn yếu tố pháp lý gồm: không gian vi phạm (địa điểm hoặc tuyến đường vi phạm), thời điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe.
Bước 3: CSGT in thông báo vi phạm thể hiện đầy đủ nội dung vi phạm gửi công an phường, xã, thị trấn.
Sau đó, công an địa phương sẽ chuyển thông báo vi phạm đến chủ xe và mời chủ xe đến trụ sở Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (số 52-54 Nguyễn Khắc Nhu, P.Cô Giang, Q.1) để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ nộp phạt
Các mức phạt nguội cũng chính là các mức phạt “nóng”, được quy định cụ thể tại Nghị định 100 với từng lỗi vi phạm. Điều khác biệt là thời gian xử phạt không đồng nhất với thời gian xảy ra vi phạm. Các bạn có thể nộp phạt nguội qua các cách sau:
– Nộp tại trụ sở công an giao thông được ghi trong thông báo nộp phạt
– Nộp trực tiếp tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt.
– Nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
– Nộp trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp xử phạt hành chính không lập biên bản (áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ).
+ Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt.
+ Nộp vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính công ích (Ví dụ như Bưu điện)
Xem thêm: Lỗi giao xe gắn máy cho người không đủ điều kiện?
Cho mượn xe bị phạt nguội, chủ xe có phải nộp phạt thay?
Căn cứ Điều 64 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và xử lý vi phạm.
Thông qua các phương tiện trên, nếu xác định có vi phạm, CSGT sẽ mời các cá nhân, tổ chức có liên quan đến phương tiện vi phạm đến trụ sở đơn vị CSGT để làm rõ.
Nội dung này được ghi nhận cụ thể tại khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
Cũng theo khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019, trường hợp không chịu phối hợp hoặc không chứng minh, giải trình để xác định được người đã lái xe vi phạm thì chủ xe sẽ bị xử phạt theo hành vi vi phạm bị phát hiện. Cụ thể:
– Chủ xe là cá nhân: Bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;
– Chủ xe là tổ chức: Bị xử phạt tiền bằng 02 lần mức xử phạt đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.
Như vậy, trường hợp cho mượn xe mà bị phạt nguội, nếu chủ xe không chứng minh được mình không phải là người lái xe vi phạm hoặc không giải trình để xác định người vi phạm thì sẽ phải nộp phạt thay.Nhưng nếu chứng minh được mình không thực hiện và hỗ trợ CSGT xác định chính xác người vi phạm, chủ xe sẽ không phải nộp phạt.
Người mượn xe không nộp phạt nguội, có sao không?
Như đã nếu trên, nếu chủ xe xác định được người lái xe vi phạm thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào người vi phạm cũng thực hiện đúng.
Căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người vi phạm nếu không nộp phạt nguội đúng hạn thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Theo hướng dẫn tại Nghị định 166/2013/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau:
– Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;
– Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
– Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;
– Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Xem thêm : Lỗi thay đổi kết cấu xe ô tô bị xử phạt như thế nào?
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu người mượn xe không chịu nộp phạt nguội, chủ xe cũng có thể gặp phải rắc rối trong trường hợp phương tiện vi phạm là ô tô. Bởi nếu quá hạn mà không nộp phạt, CSGT sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định. Khi đó, chiếc xe này sẽ bị đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT.
Vì vậy, để được đăng kiểm, chủ xe chỉ còn cách liên hệ người vi phạm nhanh chóng nộp phạt hoặc tự mình nộp thay để được giải quyết việc đăng kiểm. Do đó, để không rơi vào tình trạng này, chủ phương tiện cần hết sức lưu ý khi cho người khác mượn xe của mình.
Hi vọng rằng nội dung “Cho mượn xe có bị phạt nguội ” của Luật sư X sẽ giúp ích được cho bạn đọc. Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư X: 0833 102 102