Có được phép ủy quyền lại không?

bởi Luật Sư X
Có được phép ủy quyền lại không?

Trong đời sống thường nhật mỗi người đều phải tham gia vào các mối quan hệ trong xã hội và hầu hết các nhu cầu sống của họ được đáp ứng thông qua mối liên hệ với người khác như hôn nhân, gia đình, quan hệ làm ăn buôn bán,… các nhu cầu này ngày càng đa dạng và có chiều hướng tăng lên theo sự phát triển của xã hội. Nhưng với nhịp sống ngày càng hiện đại hóa, nhu cầu thì lớn mà thời gian thì có hạn hoặc do những trở ngại về sức khỏe, địa lý hạn chế về chuyên môn mà các chủ thể không thể tự thực hiện tất cả mong muốn của mình, để có thể thỏa mãn được những nhu cầu này các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự cần có người khác thay mình thể hiện ý chí nhưng vẫn mang tới sự ràng buộc cho chính bản thân họ. Do đó pháp luật quy định rõ về việc ủy quyền cho người khác thực hiện thay cho họ. Tuy nhiên người được ủy quyền liệu có tiếp tục được ủy quyền cho người khác hay không? Số lần ủy quyền lại như thế nào?…. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu cụ thể trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Nội dung tư vấn

1. Ủy quyền lại là gì?

Ủy quyền lại là bên được ủy quyền ủy quyền lại cho người thứ ba thay mặt mình thực hiện công việc đã được ủy quyền.

Ủy quyền lại xuất phát từ việc ủy quyền. Bản chất của ủy quyền chính là cho một chủ thể khác thực hiện công việc thay cho mình. Trong thực tiễn cuộc sống nhiều trường hợp người được ủy quyền vì lý do nào đó nên không thể thực hiện công việc theo ủy quyền được và để bảo đảm cho lợi ích của bên ủy quyền thì pháp luật quy định về vấn đề ủy quyền lại. Điều này hướng đến công việc mà lẽ ra người được ủy quyền phải thực hiện được chuyển tiếp sang chủ thể khác nhằm hoàn thành công việc, bảo vệ lợi ích của bên ủy quyền.

2. Quy định pháp luật về ủy quyền lại

Nhằm đáp ứng những nhu cầu phát sinh từ thực tiễn cuộc sống các nhà làm luật đã đưa ra vấn đề ủy quyền lại và luật hóa thành một điều khoản riêng trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tại Điều 564 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 564. Ủy quyền lại

1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

b) Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

2. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

3. Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

Theo quy định trên thì để có thể thực hiện việc ủy quyền cho người khác thì bạn phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất: phải có sự đồng ý của bên ủy quyền

Thứ hai: Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được. Sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như thiên tai, chiến tranh, bạo loạn, nổi loạn, khởi nghĩa, cấm vận, sự thay đổi căn bản của chính sách Pháp luật gây bất lợi nghiêm trọng

Khi thực hiện việc ủy quyền cho người khác thì việc ủy quyền lại đó cần chú ý khi thực hiện việc hợp đồng ủy quyền như sau:

  • Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu;
  • Hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

Đối chiếu quy định ủy quyền lại trong Bộ luật Dân sự năm 2015 với quy định trong Bộ luật Dân sự 2005 thấy rằng quy định tại Khoản 1 của Điều 564 của Bộ luật Dân sự năm 2015 có sự thay đổi mới so với quy định tại Điều 583 của Bộ luật Dân sự năm 2005 đó là quy định bổ sung thêm trường hợp cho phép ủy quyền lại là “trường hợp bất khả kháng” và bỏ trường hợp “hoặc pháp luật có quy định”, Quy định mới của BLDS năm 2015 cho phép ủy quyền lại trong những trường hợp sau:

  • Có sự đồng ý của bên ủy quyền: đây là trường hợp có thể vì lý do chu quan mà bên được ủy quyền không thể thực hiện các công việc được bên ủy quyền giao phó, nhưng bên ủy quyền cũng không có điều kiện để ủy quyền cho người khác. Với trách nhiệm của mình, bên được ủy quyền giúp bên ủy quyền chọn một người khác đáng tin cậy để ủy quyền lại và được bên ủy quyền đồng ý.
  • Do điều kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thông thường bên được ủy quyền sẽ khó có thể thực hiện được công việc của mình, trong trường hợp này bên được ủy quyền miễn trách nhiệm dân sự. Do đó, để đảm bảo lợi ích của bên có quyền bên được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người khác.

Tuy nhiên, trong trường hợp này Điều luật không nói rõ trường hợp nào cần phải có sự đồng ý của bên được ủy quyền hay tất cả các trường hợp cả chủ quankhách quan đều cần phải có sự đồng ý của bên ủy quyền. Giả sử trong trường hợp vì sự kiện bất khả kháng mà bên được ủy quyền không thể thông báo cho bên ủy quyền và vì lợi ích của bên ủy quyền, bên được ủy quyền đã ủy quyền lại cho một người khác thực hiện công việc vì lợi ích của bên ủy quyền thì việc ủy quyền lại này có hiệu lực không. Xét trên thực tiễn chúng tôi nhận cho rằng hợp đồng ủy quyền lại vẫn nên được chấp nhận thì mới đảm bảo mục đích và ý nghĩa của hợp đồng ủy quyền.

Ngoài ra, pháp luật cũng không quy định rõ việc đồng ý của bên ủy quyền có cần thể hiện dưới hình thức văn bản không đê tránh tranh chấp phát sinh trong thực tế.

Vì vậy, Khoản 1 Điều này nên được sửa lại như sau:

1. Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác nếu có sự đồng ý của bên ủy quyền, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng mà nếu bên được ủy quyền không thể thông báo đên bên ủy quyền và nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

Hơn nữa mặc dù pháp luật dân sự hiện hành quy định cụ thể về các trường hợp được phép ủy quyền lại, nhưng không quy định rõ số lần ủy quyền lại là bao nhiêu lần. Theo đó có thể hiểu rằng Việc người nhận ủy quyền lần một có được ủy quyền lại cho người thứ hai và những người tiếp theo hay không phụ thuộc vào phạm vi ủy quyền ban đầu nếu hợp đồng ủy quyền ban đầu có cho phép việc ủy quyền lại và các lần ủy quyền sau cũng vậy thì việc ủy quyền sẽ không có vướng mắc gì hay không. Với một chuỗi ủy quyền như vậy thì không nên hủy các hợp đồng ủy quyền trước đó, nếu hủy thì những người được ủy quyền sau cùng không thể chứng minh mối quan hệ giữa họ và người ủy quyền đầu tiên nên sẽ không bảo vệ được quyền lợi của họ.

Có thể lấy một ví dụ để làm rõ quy định về ủy quyền lại như sau:

A ủy quyền cho B bằng văn bản với nội dung vận chuyển kho hàng (hoa quả) từ Hà Nội đến Quảng Ninh, tuy nhiên đến ngày cần thực hiện công việc theo hợp đồng ủy quyền, do B vẫn đang ở Thanh Hóa mà tuyến đường từ Thanh Hóa về Hà Nội bị mưa bão khiến đường ngập lụt gây ra tắc đường nên B không thể về kịp đến Hà Nội để thực hiện việc vận chuyển (do mặt hàng là hoa quả nên nếu vận chuyển trễ hoa quả sẽ bị hỏng), do đó B đã thực hiện ủy quyền lại bằng văn bản cho C (đang ở Hà Nội) thực hiện công việc trên, việc ủy quyền lại này cũng được A đồng ý.

Trong trường hợp này việc ủy quyền lại đã đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật: Có sự đồng ý của bên ủy quyền (bên A); do sự kiện bất khả kháng (mưa bão gây ra tắc đường) và nếu không ủy quyền lại thì kho hàng sẽ bị hỏng. Việc ủy quyền lại cũng không vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu, hình thức ủy quyền lại là văn bản cũng phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu.

3. Tại sao pháp luật cho phép ủy quyền lại?

Thứ nhất, Quy định trên xuất phát từ mục đích của việc ủy quyền là giúp thực hiện công việc của bên ủy quyền. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bên được ủy quyền không thể thực hiện được công việc đã được giao phó. Trong trường hợp đó, pháp luật cho phép bên được ủy quyền thực hiện ủy quyền lại cho người khác.

Thứ hai, Bản chất của việc ủy quyền lại là tìm người thay thế bên được ủy quyền ban đầu xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhanh danh và vì lợi ích của bên ủy quyền. Vì vậy, tất các các vấn đề liên quan đến cách thức thực hiện, phạm vi thực hiện ủy quyền trong việc ủy quyền lại được xác định tương ứng với các công việc trong hợp đồng ủy quyền ban đầu.

Thứ ba, Pháp luật quy định hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải thống nhất với hình thức của hợp đồng ủy quyền ban đầu. Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động ủy quyền lại. Ví dụ hợp đồng ủy quyền được công chứng thì hợp đồng ủy quyền lại cũng phải được công chứng theo quy định của pháp luật.

Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn đọc!

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư dân sự tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay.
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm