Có thể tự do công chứng hợp đồng được không?

bởi Luật Sư X
Có thể tự do công chứng hợp đồng được không?

Ngày nay số lượng các giao dịch, hợp đồng trong nền kinh tế rất lớn bao quát trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng góp vốn bằng nhà ở,…. Do đó khó tránh khỏi những tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Luật Công chứng ra đời chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để điều chỉnh hoạt động công chứng hợp đồng.

Những văn bản công chứng là một chứng cứ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, là bằng chứng xác thực, có giá trị sử dụng như bản gốc. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu có thể tự do công chứng hợp đồng hay không? Để giải đáp thắc mắc này hãy cùng Luật sư X tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Luật Công chứng năm 2014;
  • Luật Đất đai năm 2013;
  • Luật Nhà ở năm 2014;
  • Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014;
  • Các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.

Nội dung tư vấn

Hợp đồng là gì?

Để hiểu công chứng hợp đồng là gì trước tiên chúng ta cần biết thế nào là hợp đồng, thế nào là công chứng. 

Căn cứ theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng như sau:

Điều 385. Khái niệm hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

Như vậy hợp đồng bản chất chính là những nội dung do các bên chủ thể tự thỏa thuận về một vấn đề nào đó và làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm quyền và nghĩa vụ của các bên khi có sự kiện pháp lý phát sinh.

Công chứng hợp đồng là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi chung là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Từ các quy định nêu trên có thể hiểu công chứng hợp đồng chính là việc xác nhận tính xác thực, tính hợp pháp của bản hợp đồng của các chủ thể trong hợp đồng. Việc công chứng giúp văn bản có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định. Chính việc công chứng sẽ có giá trị như là chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Cần lưu ý công chứng và chứng thực là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không thể đồng nhất được.

Có thể tự do công chứng hợp đồng không?

Tự do công chứng hợp đồng có thể hiểu rằng đó chính là việc thực hiện thủ tục công chứng theo ý chí chủ quan của các chủ thể trong hợp đồng, nếu họ muốn thì họ công chứng và ngược lại. Tuy nhiên trong sự phát triển của xã hội hiện đại, các hợp đồng rất đa dạng.

Các loại hợp đồng bắt buộc công chứng

Các loại hợp đồng mà pháp luật bắt buộc phải công chứng bao gồm:

Thứ nhất, các hợp đồng về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở

  • Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
  • Hợp đồng mua bán, thuê mua công trình xây dựng của các bên đều là cá nhân;
  • Hợp đồng tặng cho công trình xây dựng mà người được tặng cho là hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư;
  • Hợp đồng mua bán, tặng cho rừng sản xuất là rừng trồng; cây lâu năm.

Thứ hai, các hợp đồng liên quan đến nhà ở

  • Hợp đồng thuê mua, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà;
  • Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi nhà ở;
  • Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở, thế chấp nhà ở;
  • Hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại;
  • Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở không phải là nhà thương mại của tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản.

Thứ ba, các loại hợp đồng khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy pháp luật không cho phép các chủ thể trong những hợp đồng về liên quan đến bất động sản được tự do công chứng hợp đồng. Thay vào đó các chủ thể bắt buộc phải công chứng và được coi là như thủ tục làm cơ sở phát sinh hiệu lực cho những loại hợp đồng này.

Việc bắt buộc phải công chứng giao dịch về bất động sản xuất phát từ các nguyên do sau:

  • Việc công chứng hợp đồng bất động sản mang lại lợi ích không chỉ cho các bên về mặt pháp lý; mà còn đem lại hiệu quả về kinh tế, thương mại trong xã hội đầy sự cạnh tranh gay gắt. Cụ thể khi công chứng thì các hoạt động kinh tế không bị ảnh hưởng; thậm chí là phá sản do hợp đồng tiềm ẩn rủi ro mà không được công chứng theo quy định.
  • Xuất phát từ mục tiêu của hoạt động công chứng là chứng nhận các hợp đồng về bất động sản.
  • Công chứng giúp các công chứng viên có thể thay mặt nhà nước kiểm soát các giao dịch đó nên tất cả những giao dịch về bất động sản sẽ không thể “chui lưới”; cũng đồng nghĩa với việc hạn chế tối đa những thất thu về thuế cho Nhà nước.
  • Thị trường bất động sản không bị mất ổn định, các tranh chấp ít xảy ra; giảm gánh nặng cho cơ quan tư pháp mà tiêu biểu là Tòa án. Giúp quản lý nhà nước có hiệu quả, đảm bảo duy trì trật tự xã hội.

Hậu quả của việc không côn chứng hợp đồng theo quy định

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 Điều 407. Hợp đồng vô hiệu

1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật Dân sự cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

2. Giao dịch dân sự được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên; hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên; hoặc các bên; Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này các bên không phải thực hiện công chứng, chứng thực.

Do đó khi hợp đồng thuộc trường hợp phải công chứng; nhưng các bên không công chứng vì bất kỳ mục đích hay lý do nào thì cũng sẽ làm cho hợp đồng bị vô hiệu. Hậu quả là các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu; hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. 

Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc!

Khuyến Nghị!

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ luật sư tranh tụng hàng đầu tại Việt Nam.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay
Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm