Cover ca khúc âm nhạc có vi phạm pháp luật không?

bởi
Cover liệu có phạm luật

Cover, mashup lại các bài nhạc nổi tiếng đang là việc làm rất phổ biến hiện này. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các video cover các bản hit ở trên mạng xã hội, thậm trí một số trường hợp các bản cover lại được khán giả đón nhận và có lượt view nhiều hơn cả bản gốc. Vậy việc cover lại các bài hit có được pháp luật cho phép?

Căn cứ:

Bộ luật hình sự 2015

Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009

Nghị định 131/2013/NĐ-CP

Nội dung tư vấn

1. Cover các bài nhạc có vi phạm pháp luật không?

Trước hết phải khẳng định rằng, các bài nhạc được các tác giả bỏ công sức và trí tuệ ra sáng tác là đối tượng được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc này được quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT), cụ thể như sau

Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

d) Tác phẩm âm nhạc

Do được pháp luật bảo hộ về quyền tác giả, nên các tác giả của các ca khúc âm nhạc sẽ được bảo hộ về quyền nhân thân và quyền tài sản, các đối tượng khác phải tôn trọng và không được làm ảnh hưởng tới quyền này. Trường hợp một đối tượng khác cover lại ca khúc được pháp luật bảo hộ thì bản cover này được xếp vào loại tác phẩm phái sinh được qui định tại Khoản 8 Điều 4 Luật SHTT, cụ thể:

8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

Vậy nên, việc tạo ra tác phảm phái sinh, hay cụ thể ở đây là cover lại một ca khúc âm nhạc được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, việc cover ca khúc đó sẽ cần phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của bài nhạc đó nếu không đó sẽ là hành vi xâm phạm quyền tác giả, hành vi này không được pháp luật cho phép. Cụ thể được quy định tại Khoản 7 Điều 28 Luật SHTT như sau:

Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

Như vậy thì sẽ có những trường hợp cover được hợp pháp và có những trường hợp cover vi phạm luật pháp. cụ thể như sau:

  • Được phép cover khi:
  • Có sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm
  • Khi tác phẩm đó đã hết thời hạn bảo hộ và trở thành tác phẩm của công chúng ( thời hạn bảo hộ đối với các tác phẩm âm nhạc là 50 năm kể từ ngày tác giả chết)
  • Khi cover và sử dụng ca khúc cover đó vào mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân, hoặc phục vụ lợi ích cộng đồng,….
  • Không được phép cover khi:
  • Không được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu của tác phẩm
  • Khi việc cover làm phương hại đến quyền tài sản, quyền nhân thân của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm
  • Làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả

2. Xử phạt đối với các trường hợp cover trái phép

Đối với những hành vi tạo ra các tác phẩm phái sinh khi chưa được sự cho phép của tác giả thì có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Đồng thời sẽ phải có những biện pháp khắc phục hậu quả như buộc gỡ bỏ tác phẩm vi phạm khỏi môi trường mạng internet. Cụ thể được quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:
Điều 12. Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Còn đối với những trường hợp hát cover bài hát trực tiếp trước công chúng nhưng không được sự đồng ý cho phép của tác giả, thì người biểu diễn có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Thêm vào đó, nếu bản cover mà được truyền tải tới công chúng thông qua các thiết bị ghi âm, ghi hình, các phương tiện kỹ thuật khác hay thông qua mạng internet, thì người biểu diễn có thể bị xử phạt từ 10 tới 15 triều đồng, đồng thời phải khắc phục hậu quả bằng việc gỡ bỏ tác phẩm vi phạm. Những quy định này được quy định tại Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau: 

Điều 13. Hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Như vậy, cover lại một ca khúc nổi tiếng là một việc được pháp luật cho phép tuy nhiên kèm theo đó là một số điều kiện để nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho tác giả. Do đó, nếu muốn cover những bài nhạc hay thì xin nhớ lưu ý những điều trên để tránh vi phạm pháp luật. 

Khuyến nghị

  1. LSX là thương hiệu hàng đầu về dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả tại Việt Nam
  2. Nội dung tư vấn pháp luật mà LSX cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo. Để có những những tư vấn rõ ràng và cụ thể hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay

Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833102102

Bình chọn bài viết

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm