Đất đang có tranh chấp là gì? Các hạn chế khi đất đang có tranh chấp

bởi NguyenThiLanAnh
Đất đang có tranh chấp là gì Các hạn chế khi đất đang có tranh chấp

Có thể thấy ở nước ta, các tranh chấp đất đai đang diễn ra khá phổ biến và gay gắt. Khi đất có tranh chấp, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định. Vậy đất đang có tranh chấp là gì, các hạn chế khi đất đang có tranh chấp; cách xác định đất đang có tranh chấp ra sao? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai năm 2013

Đất đang có tranh chấp là gì?

Pháp luật đất đai hiện hành không quy định như thế nào là đất đang tranh chấp mà chỉ định nghĩa Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai’’ (Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai 2013).

Như vậy, có thể hiểu tranh chấp đất đai rất đa dạng về chủ thể cũng như nội dung tranh chấp. Đó có thể là tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất; hay tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính, mục đích sử dụng đất…

Đất đang có tranh chấp được hiểu là loại đất mà giữa người sử dụng hợp pháp thửa đất đó với cá nhân, tổ chức khác, với Nhà nước hoặc giữa những người sử dụng chung diện tích đất đó với nhau đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất, về ranh giới, về mục đích sử dụng đất hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất…Đất đang có tranh chấp cũng có thể hiểu là đất tranh chấp giữa hai cá nhân chưa xác định được ai là người sử dụng đất hợp pháp.

Cách xác định đất đang có tranh chấp

Cách 1: Thu thập thông tin tại cơ quan có thẩm quyền

Dữ liệu về thông tin tranh chấp quyền sử dụng đất chưa được cập nhật và theo dõi thống nhất giữa các cơ quan liên quan. Theo đó, để xác nhận tình trạng pháp lý của thửa đất một cách đầy đủ và chính xác nhất; người tìm hiểu có thể các cơ quan sau đây để kiểm tra:

(1) Ủy ban nhân dân cấp xã;

(2) Phòng Tài nguyên và môi trường;

(3) Văn phòng đăng ký đất đai;

(4) Các phòng hoặc văn phòng công chứng.

Cách thức thực hiện: Nộp Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai.

Các thông tin thửa đất thu thập được: Số hiệu thửa đất, số tờ bản đồ địa chính, diện tích, địa chỉ; Người sử dụng đất: Họ tên vợ chồng, năm sinh, chứng minh nhân dân, địa chỉ; Quyền sử dụng đất; Tài sản gắn liền với đất (có tài sản gì gắn liền với đất như: Nhà ở; công trình xây dựng, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm). Tình trạng pháp lý; Lịch sử biến động (đã từng chuyển nhượng cho ai…); Quy hoạch sử dụng đất; Trích lục bản đồ; Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giao dịch đảm bảo; Hạn chế về quyền; Giá đất.

Cách 2: Sử dụng phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến

Một số tỉnh, thành phố đã có phần mềm để tra cứu thông tin quy hoạch đất trực tuyến một cách tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả người tìm hiểu lẫn cơ quan chức năng (ví dụ như: “Thông tin Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh” của Thành phố Hồ Chí Minh; “DNAILIS” của tỉnh Đồng Nai;….). Theo đó, người dùng chỉ cần truy cập vào địa chỉ (đối với máy tính) hoặc tải phần mềm về máy (đối với điện thoại) và tiến hành tra cứu.

Những thông tin về đất sẽ được biết khi tra cứu tại phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch trực tuyến bao gồm:

(1) Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Khung giá đất, bảng giá đất đã được công bố; (3) Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; (4) Dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu đất đai: Thửa đất; người sử dụng đất; quyền sử dụng đất; tình trạng pháp lý, lịch sử biến động, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Như vậy, thông qua việc yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai hoặc tra cứu thông tin quy hoạch có thể xác định được đất đang có tranh chấp hay không hay thuộc diện quy hoạch hay không. 

Các hạn chế khi đất đang có tranh chấp

Theo Điều 188 Luật đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

  • Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186; trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 của Luật này;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, có thể thấy nếu đất đang có tranh chấp thì người sử dụng đất sẽ không được thực hiện các giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Cần làm gì khi có tranh chấp đất đai xảy ra?

Thứ nhất, các bên tiến hành hòa giải

Khi xảy ra tranh chấp đất đai, các bên tiến hành tự hòa giải tại cơ sở, đây là thủ tục được nhà nước khuyến khích nhưng không phải là thủ tục bắt buộc.

Đối với tranh chấp “ai là người có quyền sử dụng đất” thì mới bắt buộc phải thực hiện hoà giải tại UBND xã, phường nơi xảy ra tranh chấp.

Thứ hai, khởi kiện tại Tòa án hoặc giải quyết tại UBND

Tranh chấp đất đai mà đã hòa giải tại UBND cấp xã không thành thì được giải quyết như sau:

Một là, tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết;

Hai là, tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết tại UBND; hoặc tại Tòa án.

Xem thêm:

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND

Thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất đai

Dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp đất đai, nhà cửa

Thông tin liên hệ Luật sư X

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư X về chủ đề: “Đất đang có tranh chấp là gì? Các hạn chế khi đất đang có tranh chấp“. Chúng tôi hi vọng rằng bài viết có giúp ích được cho bạn.

Luật sư X là đơn vị Luật uy tín; chuyên nghiệp, được nhiều cá nhân, tổ chức tin tưởng lựa chọn. Để sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi, hãy liên hệ qua số hotline: 0833102102

Câu hỏi thường gặp

Đất đang có tranh chấp được cấp Sổ đỏ hay không?

Theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày 29/9/2017, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Sổ đỏ) sẽ bị tạm dừng nếu xét thấy mảng đất đó đang có tranh chấp. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa có quy định cụ thể thế nào là “đất đang có tranh chấp”, vì vậy, các bên tranh chấp lợi dụng việc làm đơn từ để ngăn chặn việc cấp Sổ đỏ.
Từ ngày 29/9/2017, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ra đời, đã quy định cụ thể trường hợp nào phải dừng việc kê khai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong đó quy định rất rõ trường hợp đất đang có tranh chấp.

Đất đang có tranh chấp có được sử dụng không?

Theo quy định của Luật đất đai hiện hành, khi đất đang có tranh chấp và chưa có kết luận cuối cùng của Toà án thì người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyến sở hữu có quyền tiếp tục sử dụng và hoạt động, khai thác công dụng của mảnh đất đó.

Giết người vì tranh chấp đất đai bị đi tù mấy năm?

Giết người vì tranh chấp đất đai sẽ phải chịu hình phạt theo quy định về tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó có ba khung hình phạt chính tùy trường hợp là:
– Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
– Phạt tù từ 7 năm đến 15 năm;
– Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5/5 - (1 bình chọn)

Liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất

Có thể bạn quan tâm